Cuối tháng 3 này, ĐBSCL mới vào vụ thu hoạch rộ lúa Đông Xuân, tuy nhiên trong tuần qua, giá lúa gạo liên tục giảm mạnh, khiến nông dân, thương lái và doanh nghiệp thu mua lúa gạo gặp khó khăn.

Hiện giá lúa IR50404 tươi bán tại đồng chỉ còn 4.200 đến 4.300 đồng/kg, các loại lúa hạt dài cũng giảm xuống dưới 5.000 đồng/kg. So với cuối tháng 2, giá lúa trong nước giảm 500 - 600 đồng/kg.

Ngoài một số ít nông dân có điều kiện tạm giữ lại chờ giá, hầu hết nông dân trong vùng vẫn phải bán lúa để lấy tiền thanh toán chi phí sản xuất. Nguyên nhân được cho là do Thái Lan xả hàng tồn kho với số lượng gạo rất lớn với giá thấp.

Ông Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho rằng, nhà nước cần triển khai kế hoạch mua lúa tạm trữ để giảm bớt tình trạng căng thẳng đầu ra cho hạt gạo Việt Nam.  

“Việc tạm trữ là rất quan trọng để giữ cho giá lúa không xuống quá thấp. Đối với các doanh nghiệp, khi có chính sách tạm trữ lúa gạo cần tập trung thu mua, trong thời gian khoảng tháng 3-4, khi nông dân thu hoạch rộ, để cung-cầu lúa gạo không mất cân đối. Đối với bà con nông dân thu hoạch vụ Đông Xuân lúa chất lượng tốt, nếu giá thấp quá nên để lại một thời gian khi hoạt động xuất khẩu tốt sẽ tiêu thụ”, ông Dư nói.

Ngày 7/3 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam thường xuyên theo dõi tình hình xuất khẩu của các nước xuất khẩu gạo lớn, duy trì và phát triển các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới; Bộ N&PTNT nắm chắc tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo vụ Đông Xuân để có biện pháp điều hành phù hợp, đảm bảo tiêu thụ tốt lúa, gạo hàng hóa cho nông dân.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, trong tháng 2, cả nước xuất khẩu 330.500 tấn gạo, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu trong hai tháng đầu năm lên gần 637.760 tấn. So với cùng kỳ năm trước, giảm trên 100.000 tấn./.