Phát biểu tại hội thảo, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết: Trong số 15 hiệp định FTA Việt Nam đang thực thi, có 3 FTA thế hệ mới là CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam) và UKVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh). Đây là những hiệp định rất quan trọng, mang lại nhiều kết quả đàm phán cơ lợi cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam, tạo dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường.
Giai đoạn 2019 – 2021, các FTA có hiệu lực đã giúp kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng mạnh. Điển hình như đối với Hiệp định CPTPP, trong giai đoạn 2020 - 2021, xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP tiếp tục đà tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu năm 2021 tăng 18,1% so với năm 2020. Trong khi đó, Hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU năm 2021 vẫn tăng 14,5% so với năm 2020. Kết quả ấn tượng này cho thấy sự nỗ lực đáng kể trong việc làm quen và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do.
Là đơn vị đã tư vấn về FTA cho các doanh nghiệp, ông Phạm Đình Thưởng - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và tận dụng Hiệp định Thương mại tự do KTPC đánh giá, mức độ hiểu biết của các doanh nghiệp về các FTA thời gian qua đã tăng lên khi có khoảng 26% các doanh nghiệp có hiểu biết khá rõ về các FTA (con số này tăng lên từ mức 12,6% năm 2016). Tuy nhiên, nhận thức của doanh nghiệp về tác động tích cực của tiến trình hội nhập FTA dù có tăng lên nhưng còn chưa nhiều
"VCCI đánh giá năm 2020, khoảng 10 doanh nghiệp cho rằng đã hiểu biết về các FTA. Đến năm nay, con số này tăng lên khoảng 25%-26%. Tuy nhiên, về lĩnh vực ngành hàng của mình, doanh nghiệp không cần phải hiểu tất cả, nhưng ít nhất phải hiểu về lĩnh vực ngành hàng của mình, thì Chính phủ đã báo cáo Quốc hội là con số còn khiêm tốn", ông Phạm Đình Thưởng nói./.