Chung sức đưa nông nghiệp Việt ra “biển lớn”
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc thúc đẩy doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp diễn ra tại TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) ngày 30/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nông nghiệp chỉ chiếm 18% GDP là quá khiêm tốn nên cần tổ chức lại sản xuất, ứng dụng KHCN, tiếp tục hoàn thiện thể chế lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là nhiệm vụ cấp bách.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. |
Thủ tướng đánh giá cao các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề bất cập: Các DN đầu tư vào nông nghiệp còn khiêm tốn, DN có qui mô nhỏ và siêu nhỏ chiếm đa số 96%; năng suất lao động sản xuất nông nghiệp thấp; chỉ có 5% sản phẩm được cấp chứng chỉ VietGAP; khâu chế biến sau thu hoạch còn nhiều vấn đề…
“Các bộ ngành cần cải cách hành chính, giảm 50% các thủ tục hành chính, tạo điều kiện để các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; đơn giản hóa các thủ tục xuất khẩu gạo, xúc tiến mở rộng thị trường nông sản, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Mỹ, châu Âu...”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.
Thủ tướng yêu cầu điều chỉnh các chính sách thuế đối với các DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, xây dựng các trung tâm kiểm định chất lượng, nâng cao quản lý nhà nước với thị trường nông nghiệp…
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng kêu gọi các doanh nhân phát huy tinh thần tự hào dân tộc, hợp tác để phát triển, cùng chung sức để đưa nông nghiệp Việt Nam ra “biển lớn”.
Về thực trạng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay, cả nước có khoảng hơn 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước; nhưng các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp với số lượng 7.600 doanh nghiệp; còn lại là các doanh nghiệp trong chuỗi các ngành liên quan đến nông nghiệp như chế biến hàng; cung cấp nguyên liệu đầu vào, doanh nghiệp dịch vụ thương mại...
Khoảng 90% doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là doanh nghiệp tư nhân; còn lại là các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI. Xét theo quy mô lao động, 96% các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Nguồn vốn của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 8% đến 10% tổng nguồn vốn của toàn khu vực doanh nghiệp. Trong đó, vốn của các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất chỉ chiếm khoảng 1%.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, DN còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai để tổ chức sản xuất, khó tiếp cận tín dụng, thị trường tiêu thụ không bền vững... Do đó, để thu hút vốn đầu tư vào nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần cắt giảm 40- 50% thủ tục hành chính hiện hành, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp một cách nghiêm túc và thực chất. Đồng thời, rà soát, tránh chồng chéo trong quản lý, kiểm tra, không để tình trạng một mặt hàng phải chịu sự quản lý của quá nhiều đơn vị; chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng tăng hậu kiểm, giảm tiền kiểm.
Phải coi doanh nghiệp là hạt nhân
Về phía doanh nghiệp, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, phải đẩy mạnh tái cơ cấu, tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh, phát huy vai trò đầu tàu trong chuỗi liên kết, chuỗi giá trị nông nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng...
Thẳng thắn chỉ ra các thách thức trong ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ: Nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa trên nền tảng quy mô hộ nhỏ lẻ nên khó sản xuất theo quy mô lớn. Ngoài ra biến đổi khí hậu và sức ép cạnh tranh khi hội nhập kinh tế toàn cầu cũng khiến ngành nông nghiệp trong nước gặp khó.
Trước tình hình đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần phải tái cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng tập trung, hàng hóa, chuỗi giá trị, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập sâu rộng.
Để tạo nên một sức mạnh mới, trong quá trình tái cơ cấu, cần xác định doanh nghiệp là hạt nhân trong chuỗi kinh tế, không có doanh nghiệp thì không tổ chức thành công một nền kinh tế hàng hóa hội nhập, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Hiện nay, Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới với 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Các mặt hàng như cá basa, cá ngừ, tôm, cà phê, hạt điều,.. đã có vị thế khá vững chắc trên thị trường, chiếm ưu thế và đã trở thành thực phẩm rất quen thuộc với người tiêu dùng các nước trên thế giới./.Bí quyết để Lâm Đồng dẫn đầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Làm nông nghiệp công nghệ cao: "Đói" vốn và đất đai