Mọi lý lẽ dù hùng hồn đến đâu cũng sẽ thiếu tính thuyết phục nếu thiếu đi những con số minh chứng. “Con số biết nói”, người ta vẫn thường nói như vậy, cho thấy tầm quan trọng của những con số thống kê tưởng như rất khô khan. Thế nhưng, thực tế hiện nay cho thấy, con số thống kê của ta vừa thiếu cụ thể lại vừa thiếu tính thuyết phục, thậm chí cùng một nội dung nhưng lại có nhiều con số thống kê khác nhau, khiến dư luận hoang mang, còn các nhà làm chính sách bối rối.
Và gần nhất là con số công bố về kê khai tài sản, theo đó, gần 1 triệu người kê khai, chỉ có 5 người thuộc diện phải xác minh và chỉ duy nhất 1 người bị cảnh cáo vì thiếu trung thực. Sau khi số liệu được công bố, hàng loạt phương tiện thông tin đại chúng đã có bài đặt dấu hỏi chấm rất lớn, rằng liệu có thể tin được con số này hay không, một con số mà có lẽ nằm mơ cũng khó thấy.
Hay 80% người dân hài lòng với dịch vụ công, con số thống kê mới được Bộ Nội vụ cùng Ngân hàng Thế giới công bố (qua thực hiện khảo sát tại Phú Thọ, Thanh Hóa, Bình Định) cũng khiến nhiều người tự hỏi: liệu những người đưa ra con số này có ngồi trên mây không, khi mà thủ tục hành chính vẫn là điều khiến người dân bức xúc nhất.
Chính những con số khác xa thực tế đã khiến nó tuy đẹp nhưng lại chẳng mấy ai vui. Thậm chí, có người nói, điều tra mà ra kết quả như vậy không những làm tốn kém tiền của xã hội mà còn làm mất uy tín của các cơ quan điều tra, mất niềm tin ở xã hội.
Ngược lại với tình trạng làm đẹp con số thống kê, hậu quả của căn bệnh thành tích, là sự lạc hậu của những con số. Như đã có lần ông Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam đã phải bức xúc lên tiếng rằng, thông tin thống kê của chúng ta quá lạc hậu và sai lệch khiến người chăn nuôi nhận định sai về thị trường, một trong những nguyên nhân khiến ngành chăn nuôi rơi vào tình cảnh điêu đứng. Ông dẫn chứng, năng suất nuôi gà đẻ hiện nay của Việt Nam đã lên đến 300 - 310 quả trứng/con/năm trong khi thống kê vẫn là 100 - 140 quả trứng/con/năm; sản lượng thịt gia cầm của Việt Nam hiện đạt trên 2 triệu tấn/năm nhưng Tổng cục Thống kê chỉ tính có trên 800.000 tấn.
Một biểu hiện nữa của sự “loạn” con số thống kê là cùng một nội dung, ở cùng một thời điểm nhưng con số mỗi đơn vị đưa ra lại khác, có sự “vênh” nhau đến khó tin. Về điều này, đã nhiều lần các vị đại biểu Quốc hội phải thốt lên rằng, thật khó hiểu với các con số thống kê được đưa ra trong các báo cáo khi bộ này đưa ra một con số, bộ kia lại đưa ra con số khác, về cùng một chỉ tiêu… Biết tin vào con số của bộ nào? Sự thiếu nhất quán, thiếu thống nhất giữa các bộ, ngành trong việc tính toán các chỉ tiêu đã làm khó và gây hoang mang cho những người phải tiếp nhận những con số đó.
Hậu quả của việc thiếu những thông tin chính xác, phản ánh sát thực đời sống xã hội ai cũng biết là sẽ khiến việc ban hành những quyết định, chính sách không chuẩn xác, vi mô thì ở cấp cá nhân, vĩ mô thì là cả hệ thống của một ngành, một lĩnh vực. Hệ thống thu thập thông tin còn nhiều bất cập, thiếu chính xác là một trong những nguyên nhân chính được đề cập đến để giải đáp cho thực trạng này. Thêm nữa, đó là sự thiếu công khai, minh bạch trong quá trình thu thập ý kiến, nhiều khi phần lớn là tự mình đánh giá mình, đối tượng chính cần được hỏi ý kiến lại ít có tiếng nói (như cái cách thu thập ý kiến về cải cách hành chính năm 2013 với cấp bộ, cơ quan ngang bộ và tỉnh, thành phố vừa được công bố).
Con số nhằm nói lên sự thật, hiện trạng và dự báo được triển vọng trong tương lai, nhưng nếu không làm tròn nhiệm vụ này thì việc công bố nó còn có ý nghĩa gì?./.