Liên quan đến chất lượng hạng mục cầu vượt đường sắt tại Km0+938,29 - thuộc Dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ), được báo chí phản ánh là “có bê tông toàn cát và xốp…” và “nhiều hạng mục trên cầu bị sụt lún, bong tróc, gãy nứt…”, sau khi tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành tại hiện trường để xác minh các thông tin liên quan, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội - ông Phạm Hoàng Tuấn đã có báo cáo kết quả chính thức lên UBND TP Hà Nội về hiện tượng này.

xc3_tjnn.jpg
Nơi phát hiện xốp và cát trùng với vị trí cạnh cột đèn chiếu sáng trên cầu. (Ảnh: Cục QLCLCT Giao thông) 
Theo kết quả kiểm tra tại hiện trường ngày 4/7 và trên cơ sở báo cáo của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và Ban QLDA Giao thông 2 tại buổi kiểm tra, Sở GTVT TP Hà Nội khẳng định: Một số hình ảnh báo chí đã đăng tải có lớp xốp dưới lớp gạch lát hè là tại các vị trí cạnh cột đèn chiếu sáng trên cầu (24 vị trí) là có thật.

Tuy nhiên, theo thiết kế của hạng mục dự án, kết cấu vỉa hè trên cầu gồm gờ bê tông thi công cùng với lớp bê tông mặt cầu, đặt tấm đan bê tông kích thước 1,0 mét x 1,175 mét rồi rải vữa xi măng để lát hè bằng gạch Terazo (40cm x 40cm).

Trong quá trình thi công điện chiếu sáng, đơn vị thi công đã đục tấm đan bê tông kích thước 1,0 mét x 1,175 mét để luồn dây cáp đấu điện vào cột đèn chiếu sáng, nhưng đơn vị này chưa thực hiện đấu dây ngay và cũng chưa thực hiện lấp hố.

Sau đó, đơn vị thi công lát hè đã cho đặt 1 tấm xốp có kích thước khoảng 40cm x 40cm và rải vữa xi măng lát tạm hè để đảm bảo an toàn (mục đích đặt tấm xốp là để khi đấu dây chính thức sẽ tiện cho việc dỡ lên và lát hè lại). Đầu năm 2015, đơn vị thi công chiếu sáng đã đào các vị trí này để đấu dây cột đèn nhưng để nguyên hố đào cho đến thời điểm các cơ quan báo chí phản ánh.

“Sở GTVT TP Hà Nội nhận định, để xảy ra sự việc trên là do thiếu sót của nhà đầu tư và các đơn vị thi công trong quá trình tổ chức thi công. Tuy nhiên, thiếu sót này chỉ là cục bộ, không ảnh hưởng đến kết cấu mặt cầu và thực tế hoàn toàn không có việc đổ bê tông bằng xốp và cát”, ông Tuấn cho biết.

Đặc biệt, tại buổi kiểm tra hiện trường, Sở GTVT TP Hà Nội đã chỉ đạo đơn vị thi công đào kiểm tra tại các vị trí hè khác nhau ngoài vị trí cạnh cột đèn nhưng không phát hiện có lớp xốp dưới lớp gạch lát hè.

Trước thực trạng trên, Sở GTVT TP Hà Nội đã chỉ đạo nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án ngay trong tháng 7 này cần nhanh chóng khắc phục các vấn đề trên, bằng cách triển khai ngay việc đấu dây chiếu sáng, thay thế toàn bộ các tấm đan bị đục để luồn cáp và hoàn trả kết cấu hè theo đúng thiết kế. Đồng thời, Sở GTVT TP Hà Nội đã chỉ đạo Ban QLDA Giao thông 2 thường xuyên kiểm tra, giám sát kết quả khắc phục xử lý của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

Lề đường bong tróc vì chưa lát hè hoàn thiện

Đối với các nội dung báo chí phản ánh về việc “nhiều hạng mục trên cầu bị sụt lún, bong tróc, gãy nứt…”, đại diện Sở GTVT TP Hà Nội cho biết, qua kiểm tra thực tế, có hiện tượng phần lề đường (chưa lát hè) có rơi vãi đất đá, có vệt hằn lõm bánh xe (không phải phạm vi mặt đường và không phải mặt cầu).

“Sở GTVT TP Hà Nội đã yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và đơn vị thi công khẩn trương dọn dẹp ngay đất đá rơi vãi, tiến hành thi công lát hè ngay tại các vị trí này theo thiết kế. Đặc biệt, trước khi lát hè phải kiểm tra, nghiệm thu chất lượng nền móng (chất lượng vật liệu, độ chặt) đồng thời xử lý triệt để vệt hằn lõm đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật trước khi lát hè. Sau đó vệ sinh và hoàn thiện các khe co giãn mặt cầu theo đúng thiết kế xong trong tháng 7/2016”, Phó Giám đốc Phạm Hoàng Tuấn khẳng định.

Sở GTVT TP Hà Nội cũng yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và một số đơn vị có liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm và tập trung khắc phục, sớm có báo cáo kết quả khắc phục gửi Sở GTVT TP Hà Nội để tổng hợp, báo cáo các cơ quan chức năng và thông tin kịp thời cho báo chí.

Ngoài ra, Sở GTVT TP Hà Nội cũng yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tập trung thi công để sớm đưa 9.3km đầu tuyến vào khai thác sử dụng theo đúng tiến độ yêu cầu, đồng thời phải tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh công trường trên toàn tuyến.

Riêng Ban QLDA Giao thông 2, Phòng Thẩm định, Phòng Quản lý giao thông đô thị tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng, công tác thi công các hạng mục trên toàn tuyến của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án./.