Theo số liệu của Cục Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), trong tháng 2, cả nước có 4.830 doanh nghiệp gặp khó khăn phải dừng hoạt động, đưa tổng số đơn vị lũy kế từ đầu năm lên 13.800, cao hơn mức 8.600 cùng kỳ năm ngoái.
Con số này cũng lớn hơn số doanh nghiệp xin gia nhập thị trường trong hai tháng đầu năm (11.000 đơn vị, với tổng vốn gần 63.000 tỷ đồng).
Doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng thêm 12% trong tháng Tết. |
Cơ quan này cho hay nguyên nhân một phần do cầu trong nước thấp. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá tăng 6,2%. Mức tăng này cao hơn hai tháng đầu năm 2013 nhưng vẫn thấp hơn mức thông thường 7-8% trước đây. Tình trạng này diễn ra trong bối cảnh ngân hàng ứ đọng vốn, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 1,94%, trong khi dư nợ tín dụng giảm 1,66% so với cuối năm 2013. Cùng kỳ năm ngoái, dư nợ tín dụng chỉ giảm gần 0,9%. Sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm chưa có nhiều dấu hiệu tích cực và tiếp tục gặp khó khăn, Tổng cục Thống kê nhận định.
Chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân dự báo tổng cầu thấp sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP quý I, từ đó sẽ tác động đến sản xuất kinh doanh nói chung và tình hình doanh nghiệp nói riêng. "Tiêu dùng chiếm khoảng 75% giá trị GDP, do vậy tổng cầu không tăng được sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng. Với tình hình này, GDP quý I năm nay sẽ không duy trì được đà tăng từ quý II năm ngoái", ông Ân chia sẻ.
Tuy nhiên, vị này khẳng định chưa thể nhìn vào số liệu hai tháng mà vội bi quan. "Điều đáng bàn hiện nay là phải có giải pháp gì để thúc đẩy tăng trưởng mà vẫn kiềm chế được lạm phát", ông nói.
Để tạo môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, tại buổi họp Chính phủ mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng thông tin lãi suất cho vay có thể giảm thêm 1-2% trong năm nay. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến từ 7-11,5%/năm, dài hạn là 7-13%/năm./.