Sau Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 15/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiến hành bàn giao 5 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu Uỷ ban). Như vậy, việc chuyển giao 19 Tập đoàn, Tổng công ty từ các bộ ngành về một mối đã hoàn tất. Theo đó, tổng tài sản 1,5 triệu tỷ đồng (vốn nhà nước 820.000 tỷ đồng) đã chính thức được giám sát bởi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN).
Quy về một mối quản lý
Theo TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, việc chuyển giao này tương tự như cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có xác định trách nhiệm giá trị tài sản thông qua việc ký biên bản giao nhận giữa cơ quan nhận và cơ quan bàn giao.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý tổng tài sản 1,5 triệu tỷ đồng (vốn nhà nước 820.000 tỷ đồng) (Ảnh minh hoạ: KT) |
“Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu bao gồm 9 quyền, đặc biệt trong đó có quyền về bổ nhiệm cán bộ, phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và quyền quyết định về các vấn đề đầu tư tài chính chứ không phải chuyển giao DN”, ông Hiếu cho biết.
Xét về nguyên tắc, Ủy ban sẽ chịu trách nhiệm theo quy định về tình hình lỗ lãi của DN. Hay nói một cách chính xác, hiệu quả sản xuất kinh doanh từ việc sử dụng đồng vốn là do Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc và bộ máy trực tiếp quản lý nguồn vốn chịu trách nhiệm, còn Ủy ban quản lý vốn nhà nước với tư cách chủ sở hữu sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tổng giá trị danh mục tài sản nhà nước đã giao cho Uỷ ban quản lý, ít nhất là về nguyên tắc bảo toàn và phát triển.
Theo TS Hiếu, cần nhìn nhận một cách thấu đáo hiệu quả hoạt động sản xuất cũng như trách nhiệm bảo toàn và phát triển vốn, cần gắn với chiến lược tổng thể mang lại hiệu quả chung cho toàn bộ khu vực DNNN.
“Từ trước tới giờ ta cứ nhìn hiệu quả kinh tế một cách nhỏ lẻ phân tán sự lỗ lãi của từng DN mà chất vấn trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Đây có thể coi là điểm hạn chế nhất hiện nay. Cần phải có chiến lược tổng thể gắn với việc đánh giá hiệu quả của toàn bộ khu vực DNNN và nguồn vốn mà Ủy ban được giao quản lý, đó mới là cách đánh giá hiệu quả một cách toàn diện nhất tương ứng với hiệu quả hoạt động của Ủy ban này”, ông Hiếu nêu ý kiến.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Lê Quang Mạnh cho biết, khi xây dựng đề án thành lập Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước, mục tiêu của Chính phủ là để xoá bỏ tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, khi các bộ chuyên ngành vừa ban hành chính sách trong lĩnh vực đó, đồng thời trực tiếp quản lý các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước. Ủy ban này sẽ thay mặt Nhà nước giám sát khối tài sản, vốn Nhà nước tại các DNNN chứ không phải cơ quan sử dụng vốn này. Uỷ ban không can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp của các doanh nghiệp mà chỉ tập trung giám sát vốn đó các doanh nghiệp dùng hiệu có quả không, có khả năng, nguy cơ thất thoát hay không và sẽ triển khai các biện pháp can thiệp.
“Trong thiết kế khuôn khổ pháp lý đưa các nội dung làm sao Uỷ ban này thực hiện công tác giám sát, vì hiện nay công tác giám sát được thực hiện không thường xuyên, không được các cơ quan chuyên trách thực hiện. Chúng ta xây dựng Uỷ ban này nhằm thực hiện giám sát thường xuyên hơn, công tác giám sát mỗi doanh nghiệp sẽ được trông coi kỹ càng, để phát hiện và giảm thiểu nguy cơ thất thoát lãng phí…”, ông Mạnh cho biết thêm.
Một vấn đề được coi là nỗi niềm còn rất “tâm tư” của cả các Bộ ngành chủ quản cũng như DN trong cuộc chuyển đổi vận mệnh này là vai trò của Bộ ngành chủ quản giờ đây sẽ như thế nào? Tại lễ chuyển giao các DNNN về Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, việc chuyển giao các DN từ các Bộ chủ quản về Ủy ban thực chất là chuyển từ mô hình phân tán tại các Bộ chuyên ngành sang mô hình đại diện chủ sở hữu vốn chung tập trung 1 đầu mối, đồng thời phân định rạch ròi chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện vốn chủ sở hữu tại các doanh nghiệp.Theo Phó Thủ tướng, các Bộ ngành sau khi bàn giao DN về Ủy ban quản lý vốn vẫn còn 5 chức năng quản lý Nhà nước đối với DN bao gồm: xây dựng hệ thống pháp luật và văn bản pháp luật về hoạt động của các DN nhà nước; vẫn là cơ quan xây dựng và hoạch định chiến lược phát triển trong các lĩnh vực ngành phụ trách; thiết lập hệ thống định mức, tiêu chuẩn liên quan lĩnh vực này; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan quản lý nhà nước; thanh kiểm tra việc tuân thủ pháp luật… Đặc biệt, một nhiệm vụ hết sức quan trọng là công tác tổ chức Đoàn, Đảng trong DN cũng không thể tách rời vai trò của các Bộ chủ quản.
“Các DN được bàn giao về một cơ quan có chuyên môn sâu hơn, chuyên nghiệp hơn sẽ hoạt động hiệu quả hơn, vì vậy việc chuyển giao thực tế không hề làm suy giảm mà còn là động lực khiến các DN làm tốt hơn nhiệm vụ của mình bằng cách nâng cao hiệu quả hoạt động. Còn các bộ ngành chủ quản sẽ được tách vai trò đại diện chủ sở hữu để tập trung làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với DN và phát triển DN thông qua các chính sách thuận lợi cho DN, đảm bảo không có sự chồng chéo trong quản lý đối với DN”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Nhiều khó khăn, thách thức
Theo ông Hoàng Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương), Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đi vào hoạt động nhưng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp như cần kiện toàn đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn, phẩm chất đạo đức đủ năng lực thực hiện ngay trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước.
Đặc biệt, việc tiếp nhận 9/12 doanh nghiệp thua lỗ của ngành công thương phải xử lý dứt điểm trước năm 2020; 4/19 tập đoàn, tổng công ty thua lỗ (theo mục tiêu của Nghị quyết 12 phải xử lý trước năm 2020) cũng đang đặt Ủy ban vào một thử thách không nhỏ; trong khi đó, địa vị pháp lý của Ủy ban hiện nay là cơ quan thuộc Chính phủ, chưa phải là cơ quan ngang Bộ, chưa được giao quản lý nguồn vốn từ cổ phần hóa và thoái vốn DNNN, lợi nhuận để lại để có nguồn lực thực hiện được mục tiêu đến 2030.
“Cần có cơ chế đặc thù để Ủy ban thực sự hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đây là một trong các giải pháp quan trọng trong việc thay đổi phương thức quản lý vốn nhà nước với doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước”, ông Giang đề xuất.
Còn theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sau khi hoàn tất việc bàn giao các DN, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước nên tập trung làm tốt nhiệm vụ cổ phần hoá.
“Tôi kỳ vọng nhất ở Uỷ ban là thực hiện cổ phần hoá các DNNN dù việc này từ trước đến nay gặp nhiều vướng mắc. DNNN của chúng ta như “cô gái lỡ thì”, nếu cứ đòi giá cao mãi thì không ai mua. Để thúc đẩy việc cổ phần hoá, có thể xem xét kỹ việc định giá, thậm chí bán giá thấp hơn giá lâu nay, bởi giá trị tài sản nhà nước thực tế đang thua xa giá trị trên sổ sách”, ông Lưu Bích Hồ kiến nghị./.
Bàn giao 2 “ông lớn” ngành viễn thông về “Siêu Uỷ ban”
Chính thức bàn giao SCIC về “Siêu Ủy ban” quản lý vốn Nhà nước
Siêu uỷ ban sẽ ngăn chặn các nguy cơ thất thoát vốn nhà nước