Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới có đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua chủ trương đầu tư siêu Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO. Được biết, siêu dự án do Công ty TNHH Xuân Thiện thuộc Tập đoàn kinh tế Xuân Thành có trụ sở tại TP Ninh Bình do đại gia Nguyễn Văn Thiện làm Giám đốc đã tốn 2 năm theo đuổi Dự án đầy tham vọng này.
Dự án vận tải thủy và thủy điện trên sông Hồng còn nhiều hệ lụy chưa tính hết. (Ảnh minh họa: Internet) |
Cũng theo báo cáo của Nhà đầu tư, dự án này sẽ tạo ra tuyến vận tải đường thủy thông suốt quanh năm từ Lào Cai - Hải Phòng cho tàu có trọng tải từ 400 tấn đến 600 tấn, kết hợp sản xuất điện với tổng công suất khoảng 228 MW tương đương 912 triệu kWh/năm.
Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ xây dựng 7 cảng dọc tuyến thuộc hệ thống cảng theo quy hoạch của ngành đường thủy nội địa bao gồm: Cảng Phố Mới, cảng Apatit, cảng Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp, cảng Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng phía Bắc (Hà Nội), góp phần đẩy mạnh công nghiệp khoáng sản, hóa chất, luyện kim, vật liệu xây dựng, thế mạnh của các địa phương dọc tuyến.
Ngoài ra dự án cũng đưa ra phương án xây dựng 3 hoặc 6 công trình đầu mối âu đập giao thông kết hợp với thủy điện, nạo vét luồng lạch đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai dài 288km. Nhà đầu tư cũng khẳng định dự án sẽ đảm bảo mực nước dâng tại các vị trí đập thiết kế luôn thấp hơn mực nước lũ hàng năm, do đó ít ảnh hưởng ngập lụt, cũng như không ảnh hưởng đến môi trường.
Tính toán sơ bộ của Xuân Thiện cho thấy, dự án này cần tới 24.510 tỷ đồng, trong đó 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp bằng vốn chủ sở hữu; phần còn lại sẽ được huy động vốn vay thương mại. Với nguồn thu chính là phí luồng tuyến (đoạn Việt Trì - Yên Bái thu từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/tấn; đoạn Yên Bái thu 40.000 - 45.000 đồng/tấn); bán điện (giá bán điện khởi đầu là 1.900 đồng/Kwh và có lộ trình tăng giá lên tới 3.560 đồng/Kwh),… nhà đầu tư kỳ vọng hoàn vốn Dự án trong vòng 25 năm.
Bất chấp việc gần như lật tung lòng sông Hồng để làm vận tải thủy, thủy điện, nhà đầu tư này cho biết, chỉ có 120 hộ dân với khoảng 600 người thuộc 31 xã ở Lào Cai, Yên Bái bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Dự án. Đồng thời, do mực nước dâng tại các vị trí đập thiết kế luôn thấp hơn mực nước lũ hàng năm, nên Dự án hầu như không làm thay đổi lòng sông so với hiện trạng.
Nhà đầu tư sẽ độc quyền sở hữu sông Hồng?
Trong khi những lợi ích mà nhà đầu tư đưa ra còn ở tương lai, thì những rủi ro liên quan tới tính khả thi của Dự án lại khá rõ và chưa có phương án xử lý cụ thể. Hạn chế đầu tiên được Bộ Tài chính chỉ ra liên quan tới tiềm lực của nhà đầu tư. Theo phân tích của Bộ Tài chính, với tổng mức đầu tư khoảng 24.510 tỷ đồng, cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay thương mại là 30/70, thì vốn chủ sở hữu nhà đầu tư cần phải huy động là hơn 7.350 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ hiện có của Xuân Thiện chỉ là 1.200 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) lại lo ngại, nếu số công trình đập giao thông kết hợp với thủy điện nhiều sẽ ảnh hưởng tới quá trình vận tải lưu thông trên tuyến cũng như gây ra những sự bất tiện cho các phương tiện thủy.
Bài học về tác động của thủy điện đối với số phận các dòng sông như ở ĐBSCL cũng được nhiều ý kiến đưa ra khi đánh giá về dự án này. Vì thế, 6 đập dâng nước phục vụ 6 nhà máy thủy điện trên dòng chính của sông Hồng chắc chắn sẽ làm biến đổi dòng sông Hồng theo một cách mà không ai có thể lường trước được. Với 6 con đập, dòng sông Hồng đương nhiên bị chia cắt thành 7 khúc và giao thông đường thủy sẽ không thể thông suốt. Các phương tiện thủy sẽ chỉ có thể vận chuyển từng chặng ngắn và buộc phải sử dụng hệ thống 7 cảng sông dọc tuyến như phương án của nhà đầu tư.
Khi đó, toàn bộ tàu thuyền sẽ phải sử dụng hệ thống cảng của nhà đầu tư. Và thêm nữa, tất cả hoạt động giao thương đường thủy của người dân sẽ phải chịu thêm một khoản phí mà nhà đầu tư đề xuất là 10.000 đồng/tấn cho đoạn Việt Trì-Yên Bái, 40.000 đồng/tấn cho đoạn Yên Bái - Lào Cai. Như vậy, chỉ với quãng đường chưa đầy 100 km từ Việt Trì tới Yên Bái, một xà lan trung bình 1.000 tấn sẽ phải chịu mức phí tới 10 triệu đồng.
Không những thế, dự án này còn được đầu tư theo hình thức BOO (xây dựng, sở hữu, vận hành) tức là sẽ không có thời hạn, nhà đầu tư có thể thu phí vĩnh viễn đối với luồng tuyến, đồng nghĩa với việc sở hữu hoàn toàn dòng sông Hồng…
Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, về cơ bản, việc đầu tư các dự án thủy điện phải xem đến tác động rừng và các hồ, đập. Dù dự án thủy điện mà Tập đoàn Xuân Thành đề xuất là dự án có qui mô nhỏ nhưng nếu là các đập liên hoàn ở các tỉnh trung du - miền núi cũng cần cân nhắc đến môi sinh để tránh những tác động tiêu cực đến môi trường sống.
Là người làm thủy lợi, đê điều hàng chục năm, ông Nguyễn Ty Niên nguyên Cục trưởng Cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (Bộ NN&PTNT) đã đúc rút ra một điều xương máu, khi làm bất cứ công trình gì trên sông Hồng đều đòi hỏi phải có cái nhìn tổng thể và phải tuân theo quy luật.
Do đó, việc xây dựng 6 đập dâng nước phục vụ 6 nhà máy thủy điện sẽ phá vỡ quy luật tất yếu của sông Hồng. “Trong khi con sông còn phải đảm bảo giao thông và các vấn đề khác, nếu xây các đập dâng trên sông Hồng, giao thông sẽ như thế nào và khi đóng các đập ở đây, họ nói cứu được các tỉnh trung lưu nhưng các tỉnh vùng hạ lưu sẽ như thế nào? Câu hỏi đó vẫn chưa được trả lời”, ông Nguyễn Ty Niên phân tích./.