VAMC được mua nợ của các tổ chức tín dụng, được sử dụng quyền của chủ nợ trong việc thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý nợ, có quyền điều chỉnh cơ cấu lại khoản vay, điều kiện trả nợ, chuyển nợ thành cổ phần của khách vay, bán tài sản đảm bảo…
Điểm nổi bật nhất trong quá trình xử lý nợ xấu của VAMC là công ty không hề lấy tiền ngân sách để xử lý nợ xấu mà sẽ phát hành trái phiếu để mua nợ. Lãi suất trái phiếu chỉ 0%.
Với cách làm nay ngân hàng thay vì gánh một khối nợ xấu lớn, nay cầm trong tay một loạt giấy tờ có giá, có thể đem thế chấp, chiết khấu với NHNN để lấy tiền. Tất nhiên, NHNN chỉ cho chiết khấu khoảng 40% giá trị trái phiếu.
Điều đặc biệt nữa là trái phiếu của VAMC chỉ có thời hạn trong 5 năm. Trong 5 năm đó, mỗi năm ngân hàng bán nợ phải trích lập 20% cho trái phiếu. Điều lợi cho ngân hàng là: thay vì vừa phải trích lập dự phòng rủi ro mà vẫn phải “ôm” nợ xấu, các ngân hàng sẽ chỉ phải trích lập dự phòng rủi ro, còn nợ xấu đã được làm sạch trong bảng cân đối.Sau 5 năm, nếu khoản nợ xấu không bán được, ngân hàng cũng đã trích lập đủ 100% trái phiếu để trả trái phiếu cho VAMC đồng thời nhận khoản nợ xấu về. Tuy nhiên, lúc này, khoản nợ xấu đó đã được xóa trong bảng kế toán của ngân hàng, có nghĩa là đã được làm sạch (vì ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro 100%). Ngược lại, nếu xử lý được nợ xấu, thanh lý được tài sản đảm bảo thì tổ chức tín dụng chỉ được thu hồi về 85% giá trị, còn VAMC sẽ được hưởng 15%.
Cũng theo thông tin từ báo Đầu tư, khi VAMC được thành lập, các ngân hàng khó có thể chây ỳ khi bán nợ xấu bởi quy định sắp ban hành là tất cả các ngân hàng có nợ xấu trên 3% đều bắt buộc phải bán nợ xấu cho AMC nếu được yêu cầu./.