TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: Có nhiều điều tra, đánh giá khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) Việt Nam còn yếu cả trong các hoạt động bổ trợ và cả trong các hoạt động cơ bản, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến mối liên kết hiệu quả về mặt chi phí.
Tránh lạm dụng lao động giá rẻ
Trong tiến trình hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới, sức mạnh độc quyền chi phối thị trường của nhiều DN trong nước khó được duy trì lâu. Trong khi đó, lợi thế so sánh tĩnh của các DN Việt Nam hiện chủ yếu là từ nguồn nhân công dồi dào với mức lương tương đối thấp.
Nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ cao đang rất khan hiếm (Ảnh:truyenthongkhoahoc.vn) |
Tuy nhiên, “tập trung khai thác quá mức lợi thế chi phí lao động thấp sẽ là một trở ngại với DN trong việc dần phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn”- TS Thành khẳng định.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển lấy ví dụ đối với xuất khẩu nông sản. Theo ông Tuyển, Việt Nam là nước xuất khẩu rất nhiều hàng nông sản, nhiều mặt hàng đứng thứ hai, thứ ba thế giới (tiêu đứng thứ nhất, gạo và cà phê đứng thứ hai), nhưng giá trị xuất khẩu các mặt hàng này của Việt Nam thấp nhất (nếu tính trên một đơn vị trọng lượng) so với các nước có trình độ phát triển tương đương, chứ không phải so với các nước có nền công nghiệp phát triển hiện đại, có nền nông nghiệp công nghệ cao.
Về nguyên nhân, theo ông Tuyển có nhiều, trong đó có nguyên nhân chất lượng kém và tổ chức xuất khẩu chưa tốt, tổ chức thâm nhập thị trường cũng chưa tốt.
Mặc dù hiện tại, khả năng cạnh tranh chưa nhiều bằng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao với các nước khác, trước mắt, theo ông Tuyển, chúng ta vẫn phải thâm nhập thị trường bằng những sản phẩm chất lượng trung bình, giá rẻ vào một số thị trường. Nhưng “nếu lấy đó làm mục tiêu lâu dài là ta thất bại”- ông Tuyển nhấn mạnh. Bởi vì, con đường cơ bản vẫn phải đi lên bằng chất lượng, không thể mãi đi theo, thay thế quốc gia khác trong những mặt hàng giá thấp.
Việc tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm, bên cạnh yếu tố công nghệ, nguyên liệu... chất lượng lao động tạo ra và phân phối sản phẩm đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Cho nên, nếu duy trì đội ngũ nhân công rẻ mà thiếu chính sách đào tạo và đãi ngộ hợp lý, theo TS Võ Trí Thành, sẽ cản trở động lực tăng năng suất lao động và khả năng tận dụng kinh nghiệm của người lao động tích lũy được trong quá trình làm việc. Trong khi đó, tăng năng suất lao động dường như là hợp lý nhất trước tình trạng các DN còn thiếu vốn và có trình độ công nghệ thấp.
Hơn nữa, trong nhiều yếu tố tạo nên sức cạnh tranh cho DN, chi phí có thể giúp DN nhận biết khả năng sinh tồn trong điều kiện khủng hoảng hoặc có các cú sốc giá, thị trường từ bên ngoài. Tuy nhiên, ông Thành cũng lưu ý “nhìn nhận theo chi phí thấp mới chỉ là sự khởi đầu tạo khả năng cạnh tranh. Sự phát triển kinh doanh năng động là việc chuyển từ lợi thế so sánh về chi phí đến khả năng cạnh tranh về chất”.
Thực tế nguồn lao động phục vụ nền kinh tế, theo Báo cáo điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh 2011 của Việt Nam do Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thực hiện chỉ ra rằng, ngoài các khó khăn khác, DN đang phải đối mặt nguồn lao động đang thiếu trầm trọng, nhất là lao động có tay nghề và chuyên môn cao.
Phải nâng chất lượng lao động
Nói về lợi thế nhân công giá rẻ tại thị trường Việt Nam, TS Võ Trí Thành cho rằng: Việt Nam phải đối mặt với hai vấn đề. Thứ nhất, do có nhiều nước cùng có giá nhân công rẻ, mạng sản xuất quốc tế do người mua chi phối ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, và do đó liên tục gây áp lực làm giảm tiền công.
Kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, đặc biệt trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn thấp (ảnh minh họa) |
Thứ hai, Việt Nam cũng gặp khó khăn đối với việc tăng xuất khẩu có hàm lượng giá trị gia tăng cao do chưa chú ý đúng mức đến vai trò của dịch vụ trong chuỗi giá trị. Năng lực thiết kế, tổ chức phân phối của DN Việt Nam còn hạn chế. Bên cạnh đó, chi phí cao và hiệu quả còn thấp của các dịch vụ như viễn thông, vận tải, bến bãi kho tàng,… đã hạ thấp khả năng cạnh tranh của DN ở Việt Nam so với nhiều nước khác trong khu vực.
Nói về tầm quan trọng của thị trường lao động, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trần Bạt cho rằng, trở thành thị trường lao động có chất lượng là một bước quan trọng để Việt Nam chuẩn bị trở thành thị trường tiêu dùng hấp dẫn. Cho nên, trước hết cần phải tạo ra sức hấp dẫn của thị trường lao động Việt Nam.
Để cho thị trường lao động Việt Nam thực sự hấp dẫn, theo ông Bạt, buộc phải tổ chức đào tạo, huấn luyện các năng lực công nghiệp để nâng cao chất lượng lao động. Đồng thời, giảm bớt một cách có hệ thống và kiên nhẫn những nhược điểm của lực lượng lao động Việt Nam, mà nhược điểm phổ biến nhất là tâm lý làm thuê không trọn vẹn.
Còn GS Nguyễn Mại cũng cho rằng, việc chuyển nhanh từ lợi thế chủ yếu nhờ lao động phổ thông và tiền công thấp sang lao động có kỹ năng vừa đạt được đồng thời hai mục tiêu: một là, ngành nghề sử dụng nhiều lao động phổ thông dành ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là dịch vụ là lĩnh vực đòi hỏi ít vốn đầu tư nhưng giải quyết được nhiều lao động; hai là,ngành công nghệ cao và dịch vụ hiện đại cần lao động có kỹ năng thì thu hút FDI với cam kết về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, để hình thành đội ngũ các nhà quản lý, kỹ sư, công nhân kỹ thuật ngang tầm khu vực và tiếp cận tầm quốc tế.
Khẳng định thời kỳ của lợi thế “lao động dồi dào và rẻ” đang qua đi, TS Nguyễn Xuân Trung, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Tuy đã muộn song rất cần một chiến lược đào tạo nguồn nhân lực bài bản cả về tri thức lẫn tay nghề và tác phong lao động công nghiệp hiện đại. Đây sẽ là lợi thế so sánh động mang tính quyết định của nước ta trong thời kỳ mới./.