“Môi trường thương mại Việt Nam sau 2 năm gia nhập WTO” là chủ đề cuộc hội thảo diễn ra chiều 19/12 tại Hà Nội. Hội thảo là dịp để các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, cơ quan giám sát và cộng đồng doanh nghiệp cùng trao đổi về cơ hội và thách thức sau 2 năm Việt Nam gia nhập WTO, từ đó góp phần tìm ra các giải pháp hội nhập  kinh tế quốc tế vững chắc và có hiệu quả.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết: Hai năm qua, Việt Nam đã tập trung thực hiện đúng các cam kết đa phương và các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ cũng như các biện pháp cải cách đồng bộ nhằm tận dụng tốt các cơ hội và vượt qua thách thức trong giai đoạn hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

Từ năm 2000, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra hàng loạt những cải cách mà nhờ đó đã cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp. Với việc trở thành thành viên của WTO và áp lực cạnh tranh ngày càng tăng, những cải cách này thậm chí càng trở nên quan trọng hơn.

Gia nhập WTO mở ra những cơ hội cho các doanh nghiệp nhưng cũng đi kèm với sự cạnh tranh và đe dọa nhiều hơn.

Còn nhiều thách thứcTheo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, sau 2 năm gia nhập WTO, thách thức lớn nhất là phát triển cơ chế và phương tiện để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ trở thành các doanh nghiệp mạnh, có khả năng cạnh tranh. Trong việc thúc đẩy tăng cường của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều quan trọng là đảm bảo rằng họ thực sự tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có thể bán được và chỉ dừng lại ở việc lập dự án. 97% doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây không phải là một tỷ lệ khác thường, nhưng tại Việt Nam, khác biệt giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa (thường là quy mô nhỏ), với các doanh nghiệp lớn hơn là đáng kể.

Tại hội thảo các đại biểu đều cho rằng, tất cả những ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế từ việc gia nhập WTO sẽ ảnh hưởng đến hoạt động và sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó không thể không nói đến việc các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài do sự nhanh chóng tự do hóa thị trường trong nước, bao gồm cả những lĩnh vực nhạy cảm và còn non trẻ. Phạm vi giảm thuế rộng ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu thuế hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách của Chính phủ.

Dòng vốn đổ vào có thể mang theo những rủi ro và làm trầm trọng thêm những yếu kém nội tại về cơ cấu và kinh tế vĩ mô, đặc biệt là những với những dòng vốn chảy vào do đầu cơ có thể dễ dàng chảy ra nếu có những thay đổi về tình hình kinh doanh hay kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Đối với các dịch vụ phân phối, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được phép tham gia trong lĩnh vực bán lẻ đối với tất cả các sản phẩm nhập khẩu hợp tác và sản xuất trong nước, từ 10 sản phẩm nhạy cảm đối với nền kinh tế. Cả 10 sản phẩm này cũng sẽ được cho phép trong những năm tới. Do đó, đa số các hình thức phân phối hàng hóa và dịch vụ được thực hiện thông qua các cơ sở thương mại cá thể nhỏ của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh được với các trung tâm phân phối lớn, bán hàng hóa với giá cả hấp dẫn và kinh doanh thương mại hiệu quả hơn nhờ vào kinh tế quy mô…

Hoi-thao-WTO.jpg
Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Khi Việt Nam tham gia nhiều hơn vào quá trình toàn cầu hóa sau khi trở thành thành viên WTO, nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ các biến cố của nền kinh tế thế giới. Theo truyền thống, đồng tiền Việt Nam được gắn chặt với đồng USD, nhưng sự giảm giá gần đây của đồng USD đang khiến Chính phủ phải mở rộng sự kiềm tỏa để tạo điều kiện cho sự giao dịch giữa đồng VND và USD. Các nhà nhập khẩu Việt Nam đang nhận thấy những áp lực khiến thu nhập thấp hơn do USD giảm giá. Nỗi lo sợ về lạm phát cũng đe dọa sự phát triển bền vững chắc của khu vực doanh nghiệp.

Với chuyên đề về “Lựa chọn phát triển sau khi gia nhập WTO và trong điều kiện quốc tế mới”, Tiến sĩ luật Nguyễn Thị Vi cho rằng: Sau gần 2 năm gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam đã gặp biết bao khó khăn do những bất ổn từ bên ngoài mang vào như sự dao động bất thường về giá cả của hàng loạt các mặt hàng xuất khẩu và phải nhập khẩu; áp lực từ các nguồn vốn bên ngoài rất lớn đối với ổn định vĩ mô trong điều kiện các thể chế quản lý về tài chính vốn đã yếu kém, nay càng trở nên trầm trọng… Bên cạnh những mất mát do sự dao động quá bất thường về giá cả giữa giá nguyên nhiên liệu và giá sản phẩm công nghiệp mà các nước đang phát triển phải nhập khẩu, giờ đây các nước này cũng phải gánh thêm những tổn thất về lạm phát, khủng hoảng tài chính từ các nước phát triển xuất khẩu ra bên ngoài. Những cạm bẫy vô hình này đang làm kiệt quệ mọi nguồn lực mà các nước đang phát triển đang nỗ lực lâu nay: tập trung thu hút đầu tư và hướng mạnh vào xuất khẩu; tiếp tục phát triển dựa trên tăng trưởng chủ yếu từ các khu vực kinh tế này bất chấp tài nguyên thiên nhiên, đất đai, nguồn nước ngày càng cạn kiệt và ô nhiễm.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Vi, ưu tiên cao đối với những nhà hoạch định chính sách là xây dựng một chiến lược phát triển dựa trên những nhu cầu đổi mới về các chính sách và thể chế lập pháp, tư pháp nội tại nhằm tạo môi trường tốt nhất cho đầu tư phát triển và phát huy được cao nhất sức sáng tạo trong quá trình tham gia toàn cầu hoá hiện nay.

Và cơ hộiThứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú cũng cho rằng, các tác động tiêu cực trên chỉ gây ra mối đe dọa cho các phương thức kinh doanh lâu năm và truyền thống và được bù đắp nhiều hơn bằng các cơ hội và tác động tích cực mà việc gia nhập WTO đem lại cho các doanh nghiệp. Gia nhập WTO được mong muốn sẽ cùng có lợi cho tất cả các bên, nếu không như vậy thì các nền kinh tế trên thế giới sẽ chẳng tha thiết yêu cầu được trở thành thành viên của tổ chức này. Sự cần thiết phải tuân thủ các cam kết WTO buộc các nước đang phát triển như Việt Nam phải tiến hành những cải cách quan trọng mà cuối cùng sẽ cải thiện môi trường kinh doanh. Với các thủ tục được chuẩn hóa và minh bạch hơn, quyền lợi của nhà đầu tư được đảm bảo hơn và sự phát triển được thúc đẩy thông qua thương mại, đầu tư và các cơ hội rộng mở hơn.

Từ góc độ nghiên cứu về thể chế và hệ thống pháp luật, nhiều tham luận đã đề cập sự lựa chọn phát triển kinh tế trong tình hình khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu; Đặc biệt là những gợi mở về vấn đề về hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế./.