Vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với những nhà quản lý ở nước ta hiện nay, đặc biệt là trong quá trình đô thị hóa tại các thành phố lớn.

Tại Việt Nam, rác thải hữu cơ chiếm tới 60% trong tổng số rác thải, nếu không được xử lý sẽ phân huỷ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Mô hình phân loại, thu gom tái chế rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ vi sinh tại Nhật Bản có thể là một gợi ý tốt để Việt Nam áp dụng vừa bảo vệ môi trường vừa đem lại lợi ích cho nền nông nghiệp sạch.

Ông Kutaro Uemura, giám đốc công ty Taihi Puranto - một công ty sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại tỉnh Hiroshima cho biết, quy trình xử lý, lên men phân bón gồm 3 giai đoạn. Ở giai đoạn thứ nhất, rác thải hữu cơ đã được phân loại, thu gom từ các cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm sẽ được nhào trộn với vỏ cây, mùn cưa và ủ cùng một hỗn hợp lên men để thúc đẩy sự sinh trưởng của các vi sinh vật.

vov_pb1_gobl.jpg
Rác thải hữu cơ sau khi được chuyển tới nhà mày sẽ được nhào trộn cùng vỏ cây, mùn cưa và dung dịch lên men.

Ở giai đoạn 2, hỗn hợp được ủ ở nhiệt độ cao và khuấy trộn liên tục để thúc đẩy sự sinh sản của các vi sinh vật có lợi và tiêu diệt các vi sinh vật gây hại cho cây. Ở giai đoạn cuối cùng, hỗn hợp được cán nhỏ và sàng liên tục trong nhiệt độ và lượng nước vừa phải để các vi sinh vật đạt lượng sinh trưởng cực đại. Sau đó, hỗn hợp được sàng lọc tạp chất và đóng gói thành phẩm. Toàn bộ qui trình này kéo dài khoảng 6 tháng để đạt được thành phẩm cuối cùng.

Ông Uemura cho biết, phân bón hữu cơ thành phẩm được bán ra thị trường với mức giá rất cạnh tranh do trên thực tế 60% thu nhập của công ty lại đến từ tiền xứ lý rác cho các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến thực phẩm. Việc sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp sẽ làm tăng độ phì nhiêu của đất, cải tạo đất hiệu quả, trả lại cho đất lượng hữu cơ đã bị mất.

Phân hữu cơ vi sinh thường được nông dân Nhật Bản sử dụng để cải tạo, bổ xung chất hữu cơ cho đất.

Luật tái chế thực phẩm của Nhật Bản qui định, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm bắt buộc phải tái chế thực phẩm thải loại. Những nhà máy sản xuất phân là nơi xử lý phần lớn 6,5 triệu tấn rác thải thực phẩm được thải loại mỗi năm ở Nhật Bản. Các công ty sản xuất phân bón thực tế có 2 nguồn thu là từ công việc xử lý rác và từ việc bán sản phẩm phân bón vi sinh.

Nhờ vậy, giá thành các loại phân bón hữu cơ vi sinh được đưa tới tay người nông dân với mức giá rất cạnh tranh. Người nông dân được hưởng lợi, môi trường đất được cải tạo tốt, tạo nên một nền nông nghiệp xanh, sạch./.