Đây là cụm công trình thuộc diện cấp bách, được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải đảm bảo tiến độ, bởi nếu các dự án truyền tải này chậm tiến độ, mỗi ngày phía Việt Nam phải bồi thường số tiền 1 triệu USD (tương đương khoảng 23 tỷ đồng); nếu chậm tiến quá 6 tháng, hợp đồng BOT NMNĐ Vân Phong 1 sẽ bị chấm dứt và Chính phủ Việt Nam phải mua lại nhà máy nhiệt điện này.

Dự án Trạm biến áp 500kV Vân Phong và đấu nối được khởi công từ tháng 9/2021. Theo tiến độ cam kết với chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, dự án này phải hoàn thành trước ngày 26/12/2022 để đảm bảo phục vụ phát điện thử nghiệm cũng như giải toả công suất của Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1. Thời gian thi công dự án như vậy là rất ngắn so với các dự án có quy mô và tính chất tương tự.

z3916216327896_7b109bd103454ce0ef0ebab5ea801f57.jpg

Trong quá trình thi công, dự án gặp rất nhiều khó khăn, từ áp lực trong công tác GPMB đến tác động của đại dịch Covid-19 bùng phát rộng khắp cả nước trong năm 2021, hầu hết các địa phương đều phong tỏa và chưa biết khi nào kết thúc khiến chủ đầu tư gặp nhiều thách thức. Đặc biệt, giá nhiên vật liệu sắt thép, xăng dầu, nhân công tăng mạnh gây rất nhiều áp lực cho chủ đầu tư và nhà thầu.

Việc hoàn thành tiến độ trước 28 ngày, theo ông Lâm Sơn Tùng - Phó TGĐ Công ty CP AlphaNam E&C - nhà thầu tham gia thi công dự án đã thể hiện nỗ lực vượt khó, hiện thực hoá các cam kết ngay từ khi khởi công: “Khó khăn thì rất nhiều, về nhân công, có những lúc là cả công trường phải cách ly hoàn toàn trong vòng một tháng không thể ra khỏi khu cách ly; thứ hai nữa là giá cả tăng đột biến; thứ ba nữa là thời tiết quá thất thường và trên một nền trạm rộng như này… và mặt bằng chật hẹp mà chúng tôi cũng phải làm ngày làm đêm, làm 3 ca rất nhiều để đạt tiến độ”.

Ông Nguyễn Đức Tuyển - Giám đốc Ban QLDA các công trình điện miền Trung (CPMB) ghi nhận và đánh giá rất cao sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng như từng đơn vị nhà thầu.

“Theo tiến độ còn lại khoảng 28 ngày nữa, nhưng chúng tôi tập trung để đảm bảo điều kiện để đóng điện đường dây 220kV đấu nối vào Trạm biến áp 500 kV Vân Phong. Đây là sự nỗ lực của tất cả các đơn vị tham gia trên công trường, từ nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị cho đến nhà thầu xây lắp cũng như tư vấn giám sát… mà đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của chủ đầu tư là Tổng công ty truyền tải điện quốc gia và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tạo mọi điều kiện để bàn giao mặt bằng đáp ứng tiến độ…” - ông Nguyễn Đức Tuyển nói.

Theo Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) Trương Hữu Thành, việc hoàn thành, đóng điện Dự án Trạm biến áp 500kV Vân Phong và đấu nối là cơ sở để phục vụ phát điện thử nghiệm Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1. Việc sẵn sàng để giải tỏa công suất của nhà máy, cũng là “kỷ lục của kỷ lục” mà lần đầu tiên EVN và NPT đạt được đối với một dự án truyền tải điện quốc gia.

“Đây là lần đầu tiên Tổng công ty truyền tải điện quốc gia thực hiện một dự án vượt tiến độ 28 ngày, nhưng so với lại tổng tiến độ đề ra là chỉ trong vòng 1 năm… Sự vào cuộc của cả hệ thống từ Tập đoàn Điện lực, Tổng công ty truyền tải đã chỉ đạo quyết liệt để triển khai dự án vượt tiến độ 28 ngày so với kế hoạch đề ra là chỉ có 1 năm… Đây là một kỷ lục là chưa bao giờ có đối với EVNNPT và Tập đoàn Điện lực Việt Nan” - ông Trương Hữu Thành nói.

Tuy nhiên, để giải tỏa được công suất của Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 thì cũng cần phải hoàn thành đồng bộ các dự án còn lại. EVNNPT và các vị tham gia dự án đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành Đường dây 500kV Vân Phong - Vĩnh Tân. Qua đó, hoàn thành toàn bộ Cụm công trình giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 trong tháng 12/2022 nhằm đáp ứng mục tiêu truyền tải công suất của Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 và nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận lên hệ thống điện quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN)./.