ck1_dxxr.jpg
Hà Văn Hai (thôn 8, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) là một thợ săn cù kỳ có tiếng. Các chủ bè thu mua hải sản luôn sẵn lòng trả giá cao cho những mớ cù kỳ anh bắt được, bởi chúng thường là cù kỳ loại 1, to và chắc thịt.
Mùa cù kỳ từ tháng 2 đến tháng 7 (Âm lịch). “Anh đi cùng em thời điểm này cũng là cuối mùa rồi, nên có thể không được nhiều đâu”, anh Hai nói.
Đi bắt cù kỳ tùy theo con nước. Chờ khi nước rút để lộ các ghềnh đá trên vịnh Bái Tử Long (nơi trú ngụ của cù kỳ, người “thợ săn” mới lên đường. Đồ nghề là 1 chiếc thuyền máy công suất nhỏ; các treo lưới được đan bằng ni lông, mỗi treo dài khoảng 70 mét.
Trên vịnh Bái Tử Long có hàng nghìn đảo đá lớn nhỏ. Vì vậy địa bàn đánh bắt cù kỳ vô cùng rộng lớn.
Người bắt cù kỳ rải lưới lên những chân núi mấp mô mặt biển.
Vừa thả lưới, mắt người “thợ săn” phải soi rõ những mảng đá ngầm để điều khiển con thuyền tránh bị va đập.
Mất chừng 2 tiếng đồng hồ, Hai đã rải xong 7 treo lưới để quay thuyền về. Nghề bắt cù kỳ bằng đánh lưới phải ngâm lưới ít nhất là 1 đêm, bởi con cù kỳ có đặc tính chỉ tới đêm mới từ trong hốc đá chui ra ăn. Thức ăn của chúng là các loài nhuyễn thể sống ký sinh trên đá như hà, hàu...
10h sáng hôm sau, chúng tôi lại khởi hành lên đường ra những đảo đá trên vịnh Bái Tử Long để kéo lưới.
Nghề đánh lưới cù kỳ phải có sức khỏe rất tốt. Bởi lưới bám vào đá hà kéo lên rất nặng. Một treo lưới có khoảng 5-7 con mắc lưới đã là may mắn.
3 tiếng sau, chúng tôi kéo được hết 7 treo lưới lên thuyền. Giờ là thời gian để gỡ cù kỳ khỏi lưới và kiểm kê sản phẩm.
Cù kỳ được phân loại. Con to, mình chắc được các chủ thu mua với giá 150.000 đồng/kg. Con nhỏ hơn có giá khoảng 120.000 đồng/kg. Mỗi ngày thả lưới, Hai thường thu về 7-10 kg cù kỳ, kiếm khoảng 1 triệu đồng./.