Vào đầu mùa mưa, trên sông Đồng Nai xuất hiện nhiều loại cá đặc sản như: Cá lăng vàng, cá leo, cá chình, cá chạch, cá chốt chuột... Đây là thời điểm các ngư dân đánh bắt trên sông tranh thủ “săn” cá đặc sản và có đêm họ kiếm được cả chục triệu đồng.
Trên dọc tuyến sông Đồng Nai, đoạn qua địa bàn tỉnh có hàng ngàn hộ dân sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên sông. Mỗi năm khi mùa mưa bắt đầu, nước từ thượng nguồn đổ về là thời điểm “ăn nên làm ra” của nhiều ngư dân. Vì nhiều loại cá đặc sản có thói quen hay ngược dòng về vùng đầu nguồn đón dòng nước xiết đổ xuống để sinh sản.
Săn cá đặc sản
Vào nửa đầu mùa mưa, nhiều ngư dân sinh sống bằng nghề chài lưới trên sông Đồng Nai thường đi “săn” các loại cá đặc sản vào ban đêm. Cuộc hành trình của họ thường bắt đầu vào vào khoảng 5 giờ chiều và đi thâu đêm đến khoảng 4-5 giờ sáng hôm sau thì trở về để kịp bán mẻ cá tươi ngon cho các thương lái đợi sẵn trên bến. Các loại cá đặc sản khi đánh bắt được phần lớn các ngư dân đều có sẵn thùng chứa, máy sục khí để giữ cho cá sống, giá sẽ cao hơn nhiều so với cá đã chết.
Con cá leo gần 10kg được ngư dân làng chài ấp 1, xã Phú Ngọc (huyện Định Quán) mới đánh bắt được. |
Theo ông Quyết, có những hôm ông đánh bắt được cá leo vài chục kg/con. Giá cá leo lớn bán tại bến cho thương lái là 100.000-120.000 đồng/kg. Đắt nhất là cá chình, may mắn bắt được con chừng 4-5 kg/con, cầm chắc 2,5-3 triệu đồng. Cá chình sông loại lớn tại bến từ 600.000-650.000 đồng/kg. Kế đến là cá chạch, vào đầu mùa mưa có người săn được loại 2-3 con/kg, và nếu còn sống cá chạch giá khoảng 350.000 đồng/kg. Các loại cá đặc sản phần lớn được các nhà hàng tại TP.Biên Hòa, TP HCM đặt mua trước.
“Phần lớn những người có kinh nghiệm lâu năm mới biết cách đánh bắt được nhiều cá đặc sản. Do mỗi loại cá có đặc tính khác nhau như: Cá leo, cá lăng, cá chình vào đầu mùa mưa thường tìm về những nơi có dòng nước chảy xiết. Còn cá chạch, cá chốt, cá trèn lại chọn nơi nước yên bình trong eo, ngách của sông” - anh Nguyễn Trí, ngư dân làm nghề đánh bắt thủy sản trên sông Đồng Nai ở ấp 1, xã Phú Ngọc nói.
Gian nan theo nghề
Nghề đánh bắt thủy sản trên sông Đồng Nai khá vất vả, hầu hết ngư dân phải thức đêm làm việc. Bởi ban đêm là lúc thời tiết mát mẻ, các loại cá rủ nhau đi kiếm ăn. Nghề “săn” cá đặc sản cũng tương tự như vậy. Người có thuyền lớn, kinh nghiệm nhiều thì chọn những vùng nước đầu nguồn đổ xuống mạnh để đánh bắt hoặc ra giữa những khúc sông sâu, rộng để buông lưới. Những hộ có thuyền nhỏ, sức khỏe yếu hoặc mới vào nghề chọn những khúc sông nước chảy êm đềm để đánh bắt.
Bà Phạm Thị Thà, ấp 1, xã Phú Ngọc cho hay: “Vào nửa đầu mùa mưa, đi đánh bắt thủy sản trên sông Đồng Nai, đặc biệt là đi săn cá đặc sản rất nguy hiểm. Những cá đặc sản lớn thường tìm về thượng nguồn nơi nước đổ về mạnh. Người không có kinh nghiệm, sức khỏe kém không may gặp mưa lớn, dông lốc rất khó chống đỡ”.
Tuy nhiên, sự hấp dẫn từ các loài cá đặc sản rất lớn nên nhiều ngư dân vẫn ngược thuyền về thượng nguồn để mong cơ may “săn” được con cá chình, cá leo, cá lăng lớn... sẽ kiếm được vài triệu đồng/đêm. Theo một số ngư dân trên sông Đồng Nai, vào đầu mùa mưa thi thoảng có người bắt được con cá leo chàng bột, cá trắm sọc từ 50-60 kg/con.
Bà Trịnh Thúy Nhung, người chuyên mua bán cá đặc sản sông Đồng Nai khu vực Định Quán, chia sẻ: “Các loại cá chình, chạch, lăng, leo khi mua được của ngư dân tôi đều đóng vào các bao nước rồi bơm ô xy giữ cho sống rồi gửi xe ô tô đưa về TP Biên Hòa, TP HCM cho các mối. Với những loại cá trên, càng to thì giá càng cao”.
Ngoài các loại cá đặc sản nửa đầu mùa trên sông Đồng Nai, khu vực thượng nguồn sông còn xuất hiện tôm càng xanh. Nhưng loại thủy sản này ngày càng hiếm, song có những ngày có người đánh bắt được con tôm càng xanh nặng gần 1 kg/con./.