Thông tin này được Thứ trưởng Lê Đình Thọ chia sẻ tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên của Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) sáng nay (28/6). 

san_bay_thwd.jpg
Nhà ga sân bay Tân Sơn nhất sẽ được mở rộng trong khi chờ triển khai sân bay Long Thành. Ảnh: Lê Quân

Theo đại diện Bộ Giao thông Vận tải, với dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong năm 2016, ACV đã tổng hợp kết quả đánh giá của Hội đồng đánh giá xếp hạng phương án thi tuyển kiến trúc nhà ga hành khách cảng hàng không quốc tế Long Thành, đã báo cáo Bộ.

Trên cơ sở đó, ACV cũng đã hoàn thiện và sẽ phê duyệt đề cương, dự toán để chuẩn bị cho công tác đấu thầu, tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án để dự án có thể khởi công theo tiến độ.

Trong khi chờ phương án xây dựng sân bay Long Thành được tiến hành, ACV đã lên phương án mở rộng các ga quốc nội trong ngắn hạn, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất.  

Tổng chi phí trong năm 2017 dự kiến gần 9.625 tỷ đồng chủ yếu tăng do chi phí sửa chữa tài sản (phần lớn là các ga hàng không này). Trong đó, tổng mức đầu tư thực hiện tại các cảng sân bay ước hơn 6.000 tỷ đồng (tăng 33% so với năm 2016).

 Một số dự án tiêu biểu như đầu tư mở rộng nhà ga hàng khách quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2 và mở rộng sân đỗ máy bay 21 ha ( khoảng 2.000 tỷ đồng); cải tạo sửa chữa nhà ga T1; mở rộng sân đỗ máy bay cảng hàng không Nội Bài (1.200 tỷ đồng); mở rộng nhà ga hành khách, sân đỗ máy bay Cảng hàng không Phú Quốc, để nâng công suất lên 5 triệu khách/năm (2.000 tỷ đồng),…

ACV cũng sẽ thực hiện các công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án nâng cao năng lực khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Tổng công ty cũng đã lên kế hoạch đầu tư 5 năm (2016-2020) tập trung các dự án nâng cao năng lực khai thác hệ thống sân, đường, hệ thống trang thiết bị khu bay tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nội Bài; mở rộng sân đỗ máy bay tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nội Bài, Liên Khương, Buôn Mê Thuột, Cần Thơ, Côn Đảo…

Theo lãnh đạo ACV, doanh nghiệp sẽ cân nhắc huy động vốn khi thấy cần thiết. Dự kiến tổng mức đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không từ năm 2016-2020 lên tới hơn 31.600 tỷ đồng.

Năm 2017, công ty đặt kế hoạch tổng hành khách quốc tế đạt 27 triệu khách, khách nội địa 64 triệu khách. Tổng lượng hàng hóa vận chuyển dự kiến 1.180 ngàn tấn, tăng 5% so với năm 2016. Doanh thu mục tiêu là 13.293 tỷ đồng (tăng 25%), lợi nhuận trước thuế 3,669 tỷ đồng và cổ tức dự kiến 9% (các chỉ tiêu này không bao gồm hoạt động của khu bay).

ACV dự kiến doanh thu thuần hợp nhất sẽ cán mốc 10.485 tỷ đồng vào năm 2020, tương đương mức tăng trưởng bình quân 3%/năm. Lãi ròng ước đạt 1.216 tỷ vào năm 2017 và 1.372 tỷ đồng năm 2018, chạm mức 1,626 tỷ năm 2019 và cán mốc 1.923 tỷ đồng năm 2020. Tỷ lệ cổ tức khoảng 5%.

Cũng theo ACV, năm 2017, ngành hàng không sẽ chịu tác động tiêu cực từ bất ổn chính trị và kinh tế, giá dầu tăng, an ninh, an toàn, khủng bố và các bệnh dịch toàn cầu ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại bằng đường hàng không.

Hội đồng quản trị ACV cho rằng tăng trưởng của ngành được dự báo chậm hơn năm ngoái. Vì khi giá dầu thấp trong năm 2016, các hãng đã giảm đáng kể giá vé, giúp sản lượng vận chuyển hành khách tăng trưởng rất mạnh, hệ số sử dụng ghế trung bình đạt tới 80%. Do đó, các hãng hàng không còn cơ hội để kích cầu.

Tại ĐHCĐ lần này, ACV cũng tính toán phương án cổ phần hóa, tiến tới Nhà nước sẽ giữ 75%. Theo phương án phê duyệt cổ phần công ty mẹ, ACV sẽ bán 20% cho cổ đông chiến lược, trong đó có 17% cổ phần nước ngoài và 3% phát hành thêm.

Việc đàm phán với đối tác chiến lược ADP cũng đã hết thời hạn, đơn vị đã Báo cáo bộ chủ quản và Chính phủ về kết quả đàm phán, hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận.

Một nội dung quan trọng khác là bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT. Ông Lại Xuân Thanh (hiện là Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam) sẽ thay ông Nguyễn Nguyên Hùng - Chủ tịch HĐQT ACV thôi làm thành viên HĐQT để nghỉ hưu theo chế độ./.