Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ vừa khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu với máy giặt nhập khẩu và các bộ phận đi kèm. Đại diện Samsung tại Việt Nam xác nhận đã nhận được thông báo của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) liên quan tới vụ việc trên từ cuối tháng 6/2017 và hãng này đang làm việc với các bên liên quan để làm rõ vấn đề. 

samsung_yuvl.jpg
Sản phẩm máy giặt Samsung, LG sản xuất tại Việt Nam xuất sang Mỹ đang bị điều tra chống bán phá giá (Ảnh Reuters)

Nguyên đơn khởi kiện lần này là Tập đoàn Whirlpool (Mỹ) đã cáo buộc các sản phẩm máy giặt nhập khẩu vào Mỹ tăng gấp đôi trong giai đoạn 2012-2016, từ 1,6 triệu chiếc lên 3,21 triệu chiếc, khiến ngành sản xuất máy giặt nước này thiệt hại nghiêm trọng như doanh số, lợi nhuận giảm, thất nghiệp tăng... 

Tập đoàn Whirlpool cũng cáo buộc về việc "phá giá hàng loạt" của các tập đoàn sản xuất, trong số này có Samsung và LG, đã dịch chuyển các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Thái Lan, Việt Nam để giảm đơn giá và tránh thuế mà Mỹ áp dụng với Trung Quốc. 

Mức thuế nhập khẩu máy giặt của Mỹ đang áp dụng là 1%, các bộ phận đi kèm là 2%. Nếu bị áp thuế tự vệ, các sản phẩm máy giặt của Samsung, LG sản xuất tại Việt Nam xuất sang Mỹ có thể bị áp mức thuế rất cao, tương tự như đã áp với Trung Quốc, Hàn Quốc là 32,1 - 52,5%. Do đó, nếu sản phẩm máy giặt mang thương hiệu "made in Việt Nam" bị áp mức thuế đặc biệt với thuế suất cao hoặc áp dụng hạn ngạch thì việc xuất khẩu của Samsung, LG tại Việt Nam sẽ không tránh khỏi bị tác động. 

Đại diện Samsung cho rằng, người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm của hãng bởi thiết kế và những cải tiến của máy giặt. Vì vậy, chắc chắn họ sẽ bị thiệt hại nhiều nhất vì nguyên đơn đã giới hạn quyền lựa chọn của khách hàng, nâng giá thành sản phẩm và không tạo ra đột phá về cải tiến. "Chúng tôi không thể chấp nhận căn cứ cho rằng Whirlpool bị thiệt hại vì việc nhập khẩu sản phẩm máy giặt của Samsung", vị này nói. 

Một trong những nguyên  nhân dẫn tới việc Whirlpool khởi kiện Samsung, LG tại Việt Nam có thể do thị phần máy giặt của hãng này giảm mạnh trong vòng một năm qua. Số liệu nghiên cứu thị trường Mỹ cho thấy, đến hết quý I/2017 thị phần của Whirlpool đã giảm 2,4%, từ mức 19,2% về còn 17,3%. Thay thế vị trí số 1 của Whirlpool là Samsung, từ 16,2% tăng lên 19,7% vào quý I/2017, tương đương tăng 3,5%. LG cũng tăng thị phần nhanh chóng tại thị trường này, đứng thứ 3 với 16,8%. 

Còn trong một thông báo của LG sau khi nhận được thông tin sản phẩm bị điều tra bán phá giá, hãng này cho rằng, việc đâm đơn thể hiện chính Whirlpool không đủ năng lực cạnh tranh với các thương hiệu toàn cầu khác.

Tại Việt Nam, ngoài nhà máy sản xuất tivi trước đây, Samsung đã rót thêm 2 tỷ USD để mở rộng tổ hợp sản xuất đồ gia dụng (tivi, điều hoà, máy giặt, tủ lạnh...) từ năm 2014. Vận hành chính thức từ tháng 2/2016, tổ hợp này của Samsung (đặt tại Khu công nghệ cao TP HCM) sản xuất máy giặt xuất khẩu sang thị trường Mỹ - đối tượng bị khởi kiện áp dụng biện pháp tự vệ lần này, hiện có khoảng 1.400 lao động Việt Nam. Dự kiến 1 triệu sản phẩm máy giặt sẽ được xuất sang Mỹ từ tổ hợp sản xuất này của Samsung trong năm nay.  

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, dự kiến Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ sẽ ra kết luận cuối cùng về thiệt hại vào tháng 10/2017, và nộp báo cáo lên Tổng thống Mỹ - Donald Trump để ra quyết định về việc có áp dụng biện pháp tự vệ hay không vào tháng 12/2017./.