Những ngày qua, khi dư luận còn chưa hết bức xúc với những sai phạm tại Vườn Quốc gia (VQG) Ba Vì (Hà Nội) thì cách đó không xa, một khu resort khác với 57 căn biệt thự hoành tráng thuộc khu nghỉ dưỡng Điền Viên Thôn (xã Yên Bài, huyện Ba Vì) được chính quyền xã xác nhận là không có giấy phép và đã xây dựng hoàn thành từ nhiều năm qua.

Khu nghỉ dưỡng này thuộc khu Rừng Mu nằm dưới chân núi Ba Vì, diện tích khoảng 4,8 ha. Khi đối chiếu với bản đồ đang lưu giữ tại xã Yên Bài thì phần lớn nguồn gốc đất của khu nghỉ dưỡng nêu trên là đất khai hoang, chỉ có hơn 1 ha đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 2 hộ dân vào năm 2010.

Cách đây không lâu, một resort 4 sao xây dựng không phép trên núi Ba Vì cũng được truyền thông phát hiện. Lý giải nguyên nhân, giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì trần tình do "quá nể nang doanh nghiệp" nên bỏ qua sai phạm. Còn chủ đầu tư cho rằng do tin tưởng quy hoạch đã được duyệt, các thủ tục sau đó sẽ xong nên "sốt ruột triển khai".

Qua tìm hiểu được biết những khu biệt thự, resort nêu trên hầu hết được hình thành từ đất khai hoang, sau đó được sang nhượng giữa các cá nhân. Thậm chí nhiều trong số này đã được chính quyền cấp sổ đỏ cho các chủ đất. Các khu này được xây dựng từ năm 2008, đặc biệt từ năm 2010 là thời điểm cơn sốt đất từ thông tin quy hoạch trục Thăng Long - Ba Vì nên có rất nhiều người từ Hà Nội lên mua để xây dựng biệt thự.

bv1_bwye.jpg
Khu biệt thự xây trái phép ở xã Yên Bài, huyện Ba Vì (Hà Nội- Ảnh: KT)
Điều đáng nói, dù chính quyền các xã này khẳng định khu biệt thự, khu resort sai phạm trong việc sử dụng đất sai mục đích, xây dựng không phép trong nhiều năm. Tuy nhiên, có trường hợp mới chỉ có các biên bản vi phạm hành chính được lập nên, trong khi các khu biệt thự vẫn cứ hoàn thiện đưa vào sử dụng.

Việc sử dụng sai mục đích đất rừng, đất khai hoang trong nhiều năm qua là một thực trạng đáng báo động. Việc lấn chiếm đất do Nhà nước quản lý để phân lô bán nền, xây dự án là sự việc có tính chất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới công tác quản lý đất đai.

Còn nhớ năm 2013, dự án “Làng sinh thái du lịch và nghỉ dưỡng Đình Phú” với tổng diện tích lên đến 404 ha gồm tổ hợp khách sạn, nhà hàng, biệt thự… đã đe dọa lấy phần quan trọng nhất của rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội). Trong bản thuyết minh dự án, toàn bộ hiện trạng sử dụng đất là khu đồi rừng nằm trong cảnh quan thiên thiên phong phú, gồm hệ đồi núi, hồ nước, rừng cây.

Trong hơn 404 ha đất, đất lâm nghiệp chiếm hơn 344 ha (đất rừng phòng hộ môi trường 246 ha, còn lại là đất rừng khác) sẽ được đầu tư xây dựng các công trình như khu ở sinh thái cao cấp, khu biệt thự vườn đơn lập, khu trung tâm thương mại, khu khách sạn, nhà hàng, khu căn hộ dịch vụ, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu trường học quốc tế, bệnh viện quốc tế...

Ở thời điểm đó, Lâm trường Sóc Sơn (Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Nông lâm nghiệp Sóc Sơn) quản lý 2.435 ha, rừng phòng hộ là 1.341,7 ha, rừng đặc dụng là 1.093,3 ha), nhưng cũng giảm dần theo thời gian bởi dự án như Trung tâm nghỉ dưỡng Bách Khang Niên, Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Ngọc Hà và đặc biệt là các khu vườn quả giao khoán bị chuyển đổi mục đích sử dụng thành những khu nhà hàng, nhà ở khắp trong khu vực rừng phòng hộ do đơn vị này quản lý.

Mặc dù đất cho Trung tâm nghỉ dưỡng Bách Khang Niên đã bỏ hoang hóa từ khi thu hồi, nhưng những người có trách nhiệm không những chưa bị “sờ gáy”, mà còn tiếp tục lập dự án lên đến hơn 404 ha.

Tương tự, năm 2015, khu đất rừng Chí Linh, thuộc P.10, TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã bị một nhóm người hành xử theo kiểu giang hồ đứng ra “xẻ thịt” đem bán giá “bèo” cho những người dân cả tin.

Theo đó, chỉ 100 triệu đồng là có trong tay một lô đất (khoảng 100m2) ở khu vực gần trung tâm thành phố. Hàng chục nóc nhà đã được xây cất trái phép, cả trăm người dân đã chồng tiền để mua đất “ma”. Đáng buồn, khi chính quyền địa phương bất lực thì cũng không có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm về sự việc này./.