Tình trạng trên đang xảy tại nhiều vùng trồng rau ở Phú Yên. Sau mùng 5 Tết, mướp đắng chỉ còn 2.000 đồng một kg; dưa chuột 1.000 đồng một kg; đậu đũa cũng ở giá tương tự…

Theo tính toán của nhà vườn, mức giá này không đủ trả tiền công thuê thu hoạch, chưa kể đến tiền vốn đầu tư. Vì thế, người dân chấp nhận bỏ không hoặc không mặn mà chăm sóc cho những diện tích hoa màu của mình đã đầu tư trước đó. Nhiều chủ vườn còn hái cho bò ăn.

rau_re_ellx.jpg
Một nguyên nhân khiến giá các loại rau giảm mạnh do sản lượng sau Tết quá nhiều trong khi nhu cầu thị trường chưa cao.

Không chỉ rau, củ, người trồng hoa cũng gặp tình cảnh tương tự. Tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng - “thủ phủ” của hoa lay ơn, hàng chục héc ta hoa quá thời kỳ thu hoạch nở đỏ rực khắp cánh đồng, người trồng hoa chỉ biết ngậm ngùi nhổ… cho bò ăn.

Năm nay, nông dân trồng hoa tại xã Hiệp An xuống giống khoảng 245 ha hoa lay ơn, trong đó 145 ha được thu hoạch trước Tết Nguyên đán. Hoa lay ơn trước Tết có giá từ 17.000 đến 21.000 đồng một chục. Với giá này, người trồng hoa có lợi nhuận.

Tuy nhiên, bắt đầu từ 29 Tết, thời nóng lên bất thường làm hàng loạt diện tích hoa lay ơn nở bung khiến bà con không kịp trở tay. Một số hộ trồng hoa may mắn thu hoạch kịp trước Tết có lời, còn những hộ thu hoạch sau Tết thì trắng tay.

Chị K’ Ngọc Diễm (thôn Định An, xã Hiệp An) than thở: “Hoa của mình nở bung bét hết, giờ chỉ biết đào lên lấy một ít củ về làm giống cho vụ sau, còn lại chở về cho bò ăn chứ biết làm sao bây giờ”.

Chưa kể, hiện hoa lay ơn chỉ có giá 5.000-7.000 đồng một chục nên dù có bán được hoa, nông dân cũng bị lỗ nặng.

Bà Lê Thị Hà, Phó chủ tịch UBND xã Hiệp An cho biết: “Năm nay, xã Hiệp An có khoảng 50 ha hoa lay ơn bị nở sớm, không thu hoạch được. Nguyên nhân của việc này là do thời tiết không thuận lợi. Còn hoa lay ơn liên tục bị rớt giá là do năm nay bà con tại xã xuống giống quá nhiều khiến “cung vượt cầu”./.