Đó là nội dung được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Lấy ý kiến về kết quả nghiên cứu, đề xuất Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề xuất đầu tư luồng cảng biển nước sâu” diễn ra vào sáng 26/11, tại thành phố Tam Kỳ. Hội thảo do UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tổ chức.

Hệ thống cảng biển tỉnh Quảng Nam trước đây chỉ có 1 khu vực tại bến Kỳ Hà, huyện Núi Thành. Sau khi thành lập Khu Kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư thêm hệ thống bến cảng Chu Lai với chiều dài luồng 11km. Năm 2021, lượng hàng qua cảng Chu Lai đạt 2,5 triệu tấn và năm 2022 dự kiến, lượng hàng qua cảng này trên 4 triệu tấn.

Tỉnh Quảng Nam được đánh giá là địa phương có tốc độ phát triển hàng hóa qua cảng khá của khu vực miền Trung. Trong quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam, Chính phủ đã xác định, phát triển hệ thống cảng biển tỉnh Quảng Nam nằm trong nhóm cảng biển Trung Trung Bộ, hiện Bộ Giao thông vận tải đang thực hiện quy hoạch chi tiết, trong đó xác định lập đề án đầu tư luồng cửa Lở, tại huyện Núi Thành cho tàu 5 vạn tấn cùng với hệ thống bến, hệ thống kho bãi, hệ thống dịch vụ phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam và khu vực.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, tỉnh Quảng Nam nằm ở trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó cảng Chu Lai có vị trí thuận lợi, kết nối trực tiếp đến quốc lộ 1A, đường ven biển và cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các khu kinh tế, khu công nghiệp lớn của tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, tỉnh Quảng Nam có nhiều tiềm năng kết nối, giao lưu hàng hóa dọc Hành lang Kinh tế Đông - Tây.

Tuy nhiên, hiện cơ sở hạ tầng cảng biển của tỉnh Quảng Nam chưa xứng tầm để có thể khai thác những lợi thế vốn có. Cảng biển tỉnh Quảng Nam không đảm bảo cho tàu lớn lưu thông nên thời gian qua nhiều chuyến hàng lớn tại tỉnh Quảng Nam phải vận chuyển, lưu thông ở các cảng biển khác. Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, để khai thác lượng hàng hóa lớn từ Lào, Thái Lan và các tỉnh khu vực Tây Nguyên, cần phải đầu tư hệ thống giao thông kết nối từ cảng Chu Lai đến Cửa khẩu quốc tế Nam Giang.

PGS.TS. Nguyễn Chí Công, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết, trong quá trình nạo vét luồng Cửa Lở, tại huyện Núi Thành cần tập trung quan trắc đánh giá tác động môi trường, hạn chế tối đa những tác động đến tự nhiên. Đồng thời kết hợp với việc triển khai các giải pháp thoát lũ trên sông Tam Kỳ, Bàn Thạch nhằm hạn chế ngập lụt tại đô thị Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

“Giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn cần cân nhắc để tính toán đến vấn đề lũ trên sông như thế nào. Với tuyến luồng mới vừa đào sâu vừa mở rộng rất lớn so với Cửa Lở hiện tại, sẽ không ảnh hưởng gì đến khả năng thoát lũ của sông Tam Kỳ và sông Bàn Thạch. Tuyến luồng mới có khả năng giúp giảm mực nước trên các sông này, nhưng chỉ ở phía hạ lưu, còn phía thượng lưu sẽ không giảm được nhiều”, PGS.TS. Nguyễn Chí Công lưu ý.

Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, dịch vụ logistics tại cảng Chu Lai hiện nay chưa xứng tầm bởi vì chưa có cảng nước sâu, chưa có một khu hậu cần cảng đủ tầm. Ông Thanh cũng cho rằng, nếu làm tốt hệ thống luồng, hệ thống kho bãi, hệ thống dịch vụ thu hút các luồng hàng và chủ động trong tổ chức các chân hàng của Tập đoàn Trường Hải, cảng Chu Lai chắc chắn sẽ trở thành trung tâm phát triển cảng lớn của khu vực miền Trung.

“Quảng Nam đang duy tu, nạo vét để đảm bảo luồng chuẩn tắc mức âm 10m cho tàu 2 vạn tấn. Tuy nhiên, vẫn có những khó khăn nhất định do điều kiện tự nhiên của luồng này không thể đầu tư ở mức độ lớn hơn. Chính vì thế theo Quyết định 1737 ngày 23/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chung Khu Kinh tế mở Chu Lai cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư 1 luồng mới cho tàu 5 vạn tấn ở tại vị trí khu vực Cửa Lở, huyện Núi Thành”, ông Thanh cho biết./.