Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24, từ thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đi tỉnh Quảng Ngãi được đầu tư bằng nguồn trái phiếu Chính phủ. Mặc dù triển khai thi công đã 2 năm nay, nhưng hiện tại gói thầu số 7, đoạn qua phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng. Cùng với nguy cơ chậm tiến độ không thể về đích vào cuối năm 2015, những vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng tại gói thầu này đang để lại hậu quả đáng tiếc.
Để lấy mặt bằng nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24 tại gói thầu số 7, dài 2km, đoạn qua phường Trường Chinh và xã Đắc Blà, thành phố Kon Tum, năm 2013, Trung tâm Phát triển quỹ đất tiến hành thống kê tài sản trên đất, làm cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ thu hồi, giải phóng mặt bằng. Thế nhưng đến nay, gói thầu này vẫn còn 16 hộ dân kiên quyết phản đối phương án bồi thường của chính quyền địa phương.
Bà Trương Thị Thủy nêu ý kiến: “Đường đây đường Quốc lộ 24 là đường chính không thể cộng những con đường còn đang quy hoạch, những con đường hẻm để tính ra trung bình cộng khiến người dân phải chịu thiệt”.
Ông Trần Hữu Thạnh, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất cho rằng, đơn vị này không tự nghĩ ra con số 788.000 đồng để áp giá hỗ trợ cho dân mà thực hiện theo văn bản số 2470, ngày 30/10/2013 của UBND tỉnh Kon Tum về giá đất trung bình để bồi thường giải tỏa Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24, đoạn qua thành phố Kon Tum.
Theo đó, Trung tâm lấy giá đất ở những đường hẻm cộng với giá đất ở khu vực cần giải tỏa, tính ra trung bình cộng là 788.000 đồng/m2. Cách làm này không nhận được sự đồng thuận của các hộ dân.
“Giải phóng mặt bằng làm đường đó đã có giá đất với con số cụ thể không có lý nào phải đi tìm một đơn giá khác. Chúng tôi sẵn sàng thực hiện tất cả những nghĩa vụ của pháp luật và bàn giao đất khi có quyết định”, một người dân cho biết.
Cũng là một hộ dân có đất thu hồi tại gói thầu này, ông Trương Văn Doãn cho rằng cách tính giá đất để hỗ trợ, đền bù của Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Kon Tum là vô lý. Bởi phương pháp tính trung bình cộng chỉ áp dụng cho những tuyến đường và khu vực chưa có bảng giá đất.
Còn khu vực giải tỏa để triển khai gói thầu số 7, dự án nâng cấp Quốc lộ 24 đã có bảng giá đất từ năm 2013, cụ thể là 3 triệu đồng/m2. Hơn nữa, Công văn số 2470, ngày 30/10/2013 của UBND tỉnh Kon Tum không phải là văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng trong trường hợp này.
“Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật HĐND, UBND, công văn không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên là không thể áp dụng công văn vào với dân được. Áp dụng với dân phải căn cứ theo văn bản pháp luật. Bởi vậy việc áp dụng văn bản này không thể là căn cứ pháp lý. Từ áp dụng văn bản không đúng này dẫn đến trung bình cộng. Mà cũng không nói rõ là áp dụng mấy con đường trên giấy và mấy con đường có giá thấp hơn để đền cho dân. Như thế là sẽ không tạo sự đồng thuận”, ông Trương Văn Doãn nói.
Trước những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng xảy ra tại gói thầu số 7, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24 đoạn qua phương Trường Chinh, thành phố Kon Tum, Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố và chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức họp, đối thoại với dân, song người dân cho rằng, những giải thích là thiếu thuyết phục, nên dân chưa đồng thuận.
Mặc dù công tác đền bù cho dân chưa được giải quyết thỏa đáng, nhưng chủ đầu tư công trình là Sở Giao thông Vận tải tỉnh Kon Tum đã cho nhà thầu thi công cầu Chà Mòn ở khu vực này, khiến người dân ở đây phản ứng gay gắt.
Sự việc càng trở lên căng thẳng hơn, khi 16 hộ dân vẫn kiên quyết phản đối phương án bồi thường của chính quyền địa phương và đã có 5 hộ gửi đơn lên Tòa án Nhân dân thành phố Kon Tum khởi kiện vụ án hành chính./.