6 tháng đầu năm nay, nhiều nhà đầu tư tại Quảng Ninh mở rộng quy mô đầu tư sản xuất, mời gọi thêm các đối tác vệ tinh tham gia đầu tư trên địa bàn. Trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt mức tăng trưởng gần 39% so với cùng kỳ năm ngoái, làm trụ cột để GRDP của Quảng Ninh tăng 8,02%, đứng top đầu trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Theo đánh giá của các nhà đầu tư, bên cạnh những tiềm năng và lợi thế sẵn có, sự đồng hành của địa phương và những giải pháp quyết liệt trong phối hợp phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã giúp đảm bảo an toàn sản xuất kinh doanh, nâng cao niềm tin và có tác động không nhỏ đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Ông Đào Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long cho biết, 6 tháng qua, sản phẩm dệt may của công ty tiêu thụ hết 100%, doanh thu trên 200 triệu USD.

"Ngay từ năm 2012 khi công ty lựa chọn TP.Móng Cái là nơi đầu tiên để đầu tư tại Quảng Ninh thì chúng tôi đã có niềm tin sâu sắc vào các cấp ban ngành của địa phương, từ đó, chúng tôi tiếp tục mở rộng đầu tư ở KCN Hải Hà. Những năm vừa qua, Quảng Ninh liên tiếp đạt nhiều thành công trong phát triển kinh tế và các KCN. Chúng tôi cảm thấy sự lựa chọn của mình rất đúng đắn", ông Đào Huy chia sẻ.

Tổng vốn ngoài ngân sách thu hút trên địa bàn Quảng Ninh 6 tháng qua đạt trên 276.000 tỷ đồng, gấp 5 lần kịch bản đề ra, trong đó, triển khai cấp mới, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho nhiều dự án quy mô lớn như: Dự án Khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh (10 tỷ USD); Dự án Nhà máy sản xuất công cụ y khoa tại huyện Hải Hà (hơn 2.400 tỷ đồng); Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam của Công ty Jinko Solar Hồng Kông (gần 500 triệu USD, là dự án FDI lớn nhất vào địa bàn các KCN Quảng Ninh tính đến nay)...

Trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19, Quảng Ninh đã có nhiều biện pháp xúc tiến đầu tư linh hoạt, đúng trọng tâm trọng điểm. Để tiếp cận các nhà đầu tư, Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế và các Ban, ngành liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thông qua các nhiều hình thức họp trực tuyến, email, mạng xã hội... giới thiệu các dự án, cập nhật thông tin nhanh nhất về Quảng Ninh và xúc tiến, mở rộng các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc,...

Đặc biệt, Quảng Ninh tập trung nâng cao công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư doanh nghiệp đã và đang hoạt động tại địa bàn. Tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh ra mắt Tổ công tác Hỗ trợ dự án đầu tư Investor Care với tổ trưởng là Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách công tác đầu tư; thành lập các tổ công tác riêng để hỗ trợ một số dự án đầu tư trọng điểm. "Theo sát bước chân nhà đầu tư", các tổ công tác chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc về thủ tục, đất đai, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để các dự án sớm đi vào sản xuất kinh doanh.

Từ nay đến cuối năm, Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư phù hợp với các biện pháp phòng chống dịch. Trong đó, tập trung xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn, phối hợp với Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản JETRO tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư Nhật Bản chuyên sâu về lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, logistics...

"Chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh ban hành quy chế, phân công nhiệm vụ cụ thể cho việc phối hợp giữa các sở ban ngành địa phương để tổ Investor Care hoạt động mang tính chất định kỳ. Ví dụ như, định kỳ thứ 6 tuần đầu của tháng sẽ tiếp định kỳ các nhà đầu tư tại Trung tâm Hành chính công tỉnh, để có thể nghe sâu hơn, rõ hơn những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, ngay tại đó sẽ đề nghị các sở ban ngành hỗ trợ và hướng dẫn một cách tốt nhất", bà Vũ Thị Kim Chi, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư IPA Quảng Ninh cho biết./.