Gần 2 năm rưỡi kể từ sau trận sạt lở núi kinh hoàng vào cuối năm 2020, tiến độ khắc phục các tuyến đường bị hư hỏng tại huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam vẫn ì ạch. Dự án khôi phục, tái thiết tuyến ĐH1, đoạn qua các xã Phước Kim và Phước Thành, huyện Phước Sơn có tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025. Đến nay, đơn vị thi công mới triển khai xây dựng, sửa chữa hệ thống cầu cống, các hạng mục còn lại bị hỏng chưa được khắc phục.

Hai năm qua, sau những trận mưa lớn, các tuyến đường này lại tiếp tục sạt lở, huyện Phước Sơn phải trích từ 100 đến 300 triệu đồng ngân sách địa phương để thông tuyến, khắc phục tạm cho người dân đi lại.

"Đường sá hư hỏng, gập gềnh nên học sinh đi lại rất khó khăn, mỗi khi xuất hiện trận mưa giông thì cả thầy cô giáo và học sinh đều không dám đi trên những tuyến đường này. Như cây cầu này, mùa mưa năm ngoái học sinh không thể nào đi qua được, ba mẹ và thầy cô phải cõng các em qua. Cuộc sống người dân ở đây cũng khó khăn, đường đi như thế này thì quá cực khổ" - một người dân tại xã Phước Kim, huyện Phước Sơn bày tỏ. 

Lý giải việc chậm trễ trong thực hiện các dự án khắc phục hạ tầng giao thông sau thiên tại ở huyện Phước Sơn, cả chủ đầu tư và các đơn vị thi công đưa ra những lý do như: Thủ tục đầu tư công mất nhiều thời gian, điều kiện thi công hiểm trở, thời tiết không thuận lợi; sau dịch, doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn về tài chính, giá vật liệu xây dựng tăng đột biến, vượt xa so với dự toán nên nhà thầu càng làm càng lỗ.

Đại diện một nhà thầu thi công một dự án khôi phục, tái thiết tuyến đường lên vùng cao huyện Phước Sơn cho rằng, chủ đầu tư liên tục hối thúc tiến độ nhưng không có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để đơn vị thi công tạm ứng vốn: Nguồn vốn của nhà thầu cũng có hạn trong khi chủ đầu tư chỉ cho mỗi nhà thầu được ứng vốn 10% thôi vì họ lo ngại cho ứng nhiều quá nhưng mình thi công không đảm bảo tiến độ. Cho nên khó khăn là bây giờ mua vật tư xây dựng đều phải trả tiền mặt cho các đại lý… vì vậy cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.”

Nhà thầu thi công than khó, người dân vùng cao huyện Phước Sơn “sốt ruột” vì tiến độ thi công quá chậm. Thế nhưng Lãnh đạo UBND huyện Phước Sơn vẫn lạc quan cho rằng, đa số các dự án khắc phục giao thông sau thiên tại trên địa bàn vẫn còn thời gian thực hiện đến năm 2025. UBND huyện Phước Sơn đang làm thủ tục để gửi UBND tỉnh Quảng Nam tổng hợp, báo cáo HĐND tỉnh cho chủ trương chuyển nguồn vốn chưa được giải ngân trong năm 2022 sang năm 2023.

Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết: "Đây là những dự án nhóm B được bố trí vốn trong vòng 4 năm (từ năm 2021 đến 2025). Năm 2022, chúng tôi đã giải ngân đạt tỷ lệ khoảng 70%. Huyện làm việc với nhà thầu rất nhiều lần yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo hoàn thành theo hợp đồng đã ký kết. Hiện nay, tiến độ thi công của các công trình này vẫn còn. Huyện một mặt vừa yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ nhưng về mặt pháp lý cũng phải chờ các đơn vị thi công triển khai đảm bảo phù hợp với năng lực của nhà thầu".

 

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần chỉ đạo quyết liệt, thậm chí ra “tối hậu thư” sẽ cắt vốn, điều chuyển người đứng đầu các địa phương, chủ dự án giải ngân chậm tiến độ nhưng rồi đâu lại vào đấy, tiến độ thi công và giải ngân vẫn cứ ì ạch.

Năm 2022, tỷ lệ giải ngân 7 dự án khắc phục giao thông tại huyện Phước Sơn sau thiên tai chỉ đạt 70% trong tổng nguồn vốn hơn 114 tỷ đồng. Trước đó, năm 2021, tỷ lệ giải ngân tại các dự án này gần như “đóng băng”, tỉnh Quảng Nam đã phải chuyển nguồn vốn, cắt vốn gần 60 tỷ đồng, gần 55% tổng nguồn vốn, trong đó có dự án bị cắt đến 80% vốn. 3 tháng đầu năm nay, giải ngân vốn đầu tư công ở tỉnh Quảng Nam mới đạt 6,7%. Đầu tháng 3 vừa qua, một doanh nghiệp lấy lý do tình hình kinh tế khó khăn, giá vật liệu biến động, lãi suất vay ngân hàng cao đã xin dừng thi công 14 dự án trên địa bàn thành phố Tam Kỳ vì không đảm bảo được nguồn lực.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Nam khởi công mới 13 dự án với áp lực giải ngân rất lớn do lượng vốn đầu tư tăng, cộng thêm phần vốn 763 tỷ đồng của năm 2022 chuyển sang. Trong khi đó, các thủ tục về đấu thầu, tổ chức thiết kế, lập dự toán, triển khai thi công cho đến giải ngân… dự báo gặp nhiều khó khăn. Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Chỉ thị số 15 về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

"Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam là một trong những cơ quan phối hợp với Sở Nội vụ chấm điểm về vấn đề giải ngân của các chủ đầu tư trên cơ sở kết quả từ kho bạc chuyển sang. Tuy nhiên nó cũng phát sinh ra những khó khăn mới nhưng với quyết tâm sẽ đạt được mục tiêu đề ra. Điểm này sẽ công bố công khai vì có hội đồng chấm", ông Nguyễn Hưng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam nói.

UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nhiều Đoàn công tác trực tiếp đến các địa phương đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ và tháo gỡ khó khăn ở từng dự án, nỗ lực đạt tỷ lệ giải ngân hơn 95% trong năm nay theo Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ. Để đưa kinh tế của Quảng Nam tăng trưởng trở lại có nhiều việc phải làm, một trong những việc quan trọng nhất là đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

"Chia ra làm 2 giai đoạn để xử lý, giai đoạn 1 là sẽ điều vốn để cử tri sẽ nhìn nhận, đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền để giải ngân vốn đầu tư công chậm. Sắp đến sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm những cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý, rồi bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ ở cấp huyện nữa. Nếu phiếu tín nhiệm thấp sẽ không bố trí lại vị trí cũ", ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam khẳng định./.