Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng miếng chính thức có hiệu lực ngày 25/11. Theo đó,  NHNN kiểm soát toàn bộ việc sản xuất, dập đúc vàng miếng SJC - thương hiệu vàng miếng quốc gia. 

Chỉ tính riêng việc được phép dập lại vàng miếng sang thương hiệu vàng quốc gia SJC, nhiều doanh nghiệp với thương hiệu vàng phi SJC lập tức có lời bạc tỷ. Việc cho phép độc quyền sản xuất vàng miếng đang giúp những người trong cuộc kiếm bộn tiền…

vang-sjc.jpg

 

Một nghịch lý dễ thấy nữa, cũng là vàng 9999, nhưng vàng SJC luôn bán cao hơn vàng Bảo Tín Minh Châu trên 2 triệu đồng/lượng. Phải chăng, vàng Bảo Tín Minh Châu không được mang thương hiệu quốc gia nên giá bán rẻ hơn? Nhận xét về thị trường vàng hiện nay, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cách quản lý rất có vấn đề.Người dân đang giữ khoảng 400 đến 500 tấn vàng (khoảng 25 tỷ USD). Nhà nước độc quyền vàng như hiện nay thì không thể huy động được số vàng đang có trong dân. Ngoài ra, theo ông Doanh, độc quyền Nhà nước lại biến thành độc quyền doanh nghiệp với nhãn hiệu SJC. “Quốc hội nên có sự giám sát, xem xét sự đúng đắn về pháp luật và sự hợp lý về kinh tế, phù hợp với phong tục, tập quán của Việt Nam”.

Theo dẫn chứng của ông Doanh, ở Việt Nam không phải chỉ người giàu mới có vàng mà người nghèo cũng có vàng. Hầu hết các gia đình có con gái đi lấy chồng đều cố gắng dành dụm cho con 1-2 chỉ vàng.

“Vì vậy, việc quản lý thị trường vàng như hiện nay vừa tốn kém lại vừa lẫn lộn giữa độc quyền Nhà nước với độc quyền tư nhân và không thu hút được số vàng trong dân” – ông Doanh nhấn mạnh.

Theo ông Doanh, bất cập lớn nhất hiện nay là cấm không cho kinh doanh vàng và đã loại bỏ thị trường vàng. Bây giờ phải đưa cơ chế quản lý thị trường “thuận mua vừa bán” có sự quản lý của Nhà nước theo một khung pháp luật nghiêm ngặt thì có thể thực hiện được.

Để thị trường vàng đi vào hoạt động qui củ, huy động được nguồn lực trong dân, theo ông Lê Đăng Doanh, nên lập một thị trường vàng có sự quản lý của Nhà nước, trong đó người dân được quyền đưa vàng tới ký gửi, lấy một chứng chỉ vàng. Người dân có thể đổi lại vàng thật tùy theo nhu cầu của người dân. Theo ông Doanh, “Với cách làm này, nhà nước có thể huy động được số vàng trong dân”.

Trước lo ngại, liệu cách làm này lại quay lại với tình trạng sàn vàng ảo mà Nhà nước đã phải mất công dẹp bỏ, ông Doanh cho rằng, vì chúng ta chưa có qui định quản lý sàn vàng cho nên NH đưa ra qui định chỉ cần ký gửi 8% vốn nhưng có thể kinh doanh 100% số vốn đã ký gửi. Như vậy là đầu cơ. Để quản lý được thì phải sửa điều phi lý ấy chứ không phải đóng cửa sàn vàng. “Nước ta cứ khi nào không quản lý được là đem cấm. Nhưng sự đời không phải cái gì cũng đem cấm được. Trong trường hợp này cấm đoán gây nhiều bất hợp lý” – ông Doanh bình luận.

Trong trả lời phỏng vấn báo chí, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn Doji đã cho rằng nguyên nhân đầu tiên khiến giá vàng trong nước chênh quá lớn so với thế giới vì không được nhập khẩu một cách tự do. Bác lại lập luận này, ông Lê Đăng Doanh khẳng định giải thích như vậy không hợp lý. Trước đây khoản chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới dưới 1 triệu đồng/lượng, có khi là 500.000 đồng (khoản chênh lệch tương đương phí vận chuyển vào). Hiện nay, chúng ta cấm nhập vàng chính thức nhưng vàng nhập lậu rất lớn. "Câu hỏi đặt ra là tại sao có thể buôn lậu được nhiều như thế, cần nhiều ngoại tệ như thế và vận chuyển bằng cách nào mà không bị phát hiện?”- Ông Doanh nêu vấn đề.

Đưa ra thêm một lý do khiến vàng trong nước chênh lệch quá cao so với thế giới, ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, do trước đây nhiều đơn vị cho vay huy động vàng, đến thời điểm 25/11 thì chấm dứt nên phải đưa vào dự trữ để đảm bảo thanh khoản. Nhiều đơn vị NH thu mua làm cho giá tăng lên. Trong đó, có thể có những kẽ hở để lợi ích cục bộ chi phối.

Khẳng định sự cần thiết phải thay đổi cách quản lý thị trường vàng, ông Lê Đăng Doanh nói: “Phải đưa cơ chế quản lý thị trường “thuận mua vừa bán” có sự quản lý của Nhà nước theo một khung pháp luật nghiêm ngặt thì có thể huy động được nguồn lực vàng trong dân”./.