Ông Nguyễn Thiện Bảo, Tổng giám đốc Tổng Công ty Tài Chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam PVFC đã chia sẻ thông tin về định hướng chuyển đổi thành Ngân hàng thương mại của PVFC tại cuộc họp báo sáng nay (26/4).

Các hoạt động chuẩn bị cho việc chuyển đổi này đang được PVFC tiến hành.

Để chuyển đổi thành Ngân hàng, một trong những khả năng mà Tổng giám đốc PVFC cho biết là PVFC có thể hợp nhất vào Ngân hàng khác.

Trong năm 2012, đơn vị này có kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi tăng vốn điều lệ từ 6000 tỷ lên 9000 tỷ đồng. Nếu sáp nhập, hợp nhất vào một Ngân hàng có số vốn điều lệ tối thiểu hiện nay cũng là 3000 tỷ đồng thì vốn điều lệ của Ngân hàng mới tăng lên đáng kể.

Trường hợp khác, hiện PVN cũng đang nắm giữ 20% của Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank) với 4000 tỷ đồng vốn điều lệ. (Năm nay cũng có kế hoạch xin thực hiện tăng vốn lên 5000 tỷ đồng).

Tuy lâu nay PVFC đã hoạt động như một ngân hàng thương mại, dựa trên lợi thế là một đơn vị thành viên của Tập đoàn dầu khí PVN nhưng mạng lưới của PVFC hiện có 10 chi nhánh và 25 điểm giao dịch trên cả nước.

Về vấn đề tỷ lệ sở hữu của PVN tại PVFC, khi PVFC tiến hành tăng vốn lên 9000 tỷ, tỷ lệ này sẽ giảm từ 78% xuống còn 52%. Theo lộ trình thoái vốn của PVN tại các đơn vị thành viên, sở hữu của PVN tại PVFC sẽ giảm xuống còn 20%.

Ông Nguyễn Thiện Bảo, Tổng giám đốc PVFC cũng cho biết, hiện nay cũng có một số đối tác muốn mua lại phần vốn của PVN nhưng do quy định mỗi đối tác chỉ được sở hữu tối đa 15% nên việc thoái vốn của PVN xuống còn 20% không thể tiến hành xong ngay lập tức.

Theo quy định về việc tái cấu trúc các Tập đoàn Nhà nước, tiến tới các Tập đoàn Nhà nước như PVN sẽ không còn nắm cổ phần ở các đơn vị tài chính, ngân hàng, bảo hiểm./.