Gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Dung, ở thôn Phú Lạc, phường Hòa Hiệp Nam, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên nuôi cá lồng ở vịnh Vũng Rô hơn 10 năm nay. Hiện chị Dung thả nuôi các loại cá bớp, cá chim, cá mú trong bè cá rộng 200m2. Mỗi năm, trừ chi phí, chị Dung lãi hơn 400 triệu đồng. Đầu tháng 8 vừa qua, UBND xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa thông báo gia đình chị phải hoàn thành tháo dỡ lồng, bè nuôi thủy sản trước bãi Chính, vịnh Vũng Rô vào cuối năm nay. Chị Nguyễn Thị Mỹ Dung mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ tìm kiếm vị trí nuôi khác phù hợp để tiếp tục với nghề.
“Trước kia, chính quyền cũng nói là giải tỏa ở khu bờ, còn ở khu biển cứ làm, sau này sẽ sắp xếp. Mình cứ nghĩ như vậy là mình mở rộng bè ra. Bây giờ, chính quyền bảo tháo gỡ lồng bè thì biết bao nhiêu tiền đổ vào cái bè rồi làm sao? Chính quyền bảo gỡ thì mình cũng chấp nhận nhưng phải đồng loạt hết. Nguyện vọng cũng muốn chính quyền địa phương bố trí một vị trí khác để đậu bè thả nuôi kiếm sống”, chị Dung bày tỏ.
Hiện nay, trên Vịnh Rô thuộc xã Hòa Xuân Nam, thị xã Đông Hòa có hơn 16.000 lồng, bè nuôi trồng thủy sản các loại. Mật độ nuôi quá dày, cùng với lượng rác thải từ hoạt động chăn nuôi thủy sản gây ô nhiễm môi trường tại Vũng Rô. Hơn 10 năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên đã có nhiều văn bản về việc quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Riêng đối với vịnh Vũng Rô, tỉnh Phú Yên không quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản lồng, bè. Các trường hợp nuôi trồng thủy sản ở đây đều tự phát, kéo dài nhiều năm qua. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên đã giao Thị ủy và UBND thị xã Đông Hòa cùng các sở, ngành liên quan có giải pháp, lộ trình di dời lồng, bè ở vịnh Vũng Rô, không để phát sinh lồng, bè mới.
Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên thừa nhận, chưa thể di dời lồng, bè ra khỏi vịnh Vũng Rô và chưa kiểm soát được số lồng bè mới tăng thêm: “Trên địa bàn không có quy hoạch vùng nuôi tôm hùm, cá cũng không. Địa phương thì có quy hoạch khu nuôi trồng công nghệ cao nhưng nằm hạ lưu sông Bàn Thạch, hiện nay cũng mới quy hoạch thôi. Từ trước khi có chủ trương của tỉnh cũng đã triển khai, hiện nay địa phương đang tập trung công tác tuyên truyền để vận động bà con di dời. Vấn đề là làm sao để bà con tự giác cơi nới, làm mới lồng bè, phải di chuyển khỏi vịnh Vũng Rô”.
Theo Lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên, hiện nay, việc áp dụng hình thức xử lý vi phạm theo quy định của Nghị định 166 ngày 12/11/2013 của Chính phủ về cưỡng chế lồng, bè nuôi trái phép khó thực hiện được. Trên thực tế, giá trị thủy sản quá lớn, các địa phương không đủ kinh phí, công sức để sắp xếp lại lồng, bè mà chủ yếu tuyên truyền, vận động bà con tự giác.
Bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên cho biết, các huyện, thị xã đang tuyên truyền, vận động bà con tháo dỡ lồng bè nhưng bà con không thực hiện thì địa phương cũng chưa có giải pháp nào xử lý.
“Khi cưỡng chế thì mình phải kiểm đếm, giữ tài sản trong vòng 6 tháng. Đối với tài sản là thủy sản thì không khả thi. Bởi vì nó có giá trị lớn, nhà nước không thể nào bố trí lực lượng và nguồn ngân sách nào để đi giữ tài sản bà con trong vòng 6 tháng”, bà Lê Thị Hằng Nga nói.
Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã làm việc và chỉ đạo Ban Thường vụ Thị ủy Đông Hòa tiếp tục thực hiện việc giải tỏa lồng, bè tôm, cá ở vịnh Vũng Rô. Đồng thời, chỉ đạo quản lý chặt không để tăng thêm lồng bè, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kể cả những đơn vị, cá nhân thiếu trách nhiệm, thiếu kiểm tra giám sát để phát sinh lồng bè.
Ông Trần Đình Luân, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, ngành Nông nghiệp đã có những quy định rất rõ về mật độ nuôi thủy sản lồng bè từng vùng nước khác nhau trong nội địa và vùng ven biển. Các địa phương cần tuyên truyền để các hộ dân tuân thủ quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo môi trường ven biển và tránh những rủi ro trong nuôi trồng thủy sản.
“Việc tuân thủ pháp luật là trên hết, nhưng tuyên truyền hướng dẫn cho người dân hiểu về những quy định tại sao chúng ta phải giao mặt nước, tại sao chúng ta phải đăng ký cơ sở nuôi lồng bè để giúp cho bà con đạt được kết quả tốt nhất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có văn bản đôn đốc hướng dẫn các địa phương, một mặt tổ chức, khai thác tốt được tiềm năng nuôi biển, nhưng quan trọng đó là những người dân ở khu vực đó hiểu và tuân thủ các quy định này để giúp cho bà con có đời sống tốt hơn. Quan trọng nữa là bảo vệ môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học ở đó”, ông Trần Đình Luân thông tin./.