Theo Quyết định 1938/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ hôm nay, 28/9, mức lãi suất tiền gửi bằng USD áp dụng đối với tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm và đối với tiền gửi của cá nhân tối đa là 0,25%/năm.
Trước đó, lãi suất tiền gửi đôla Mỹ áp dụng cho các cá nhân là 0,75% và các tổ chức là 0,25% một năm.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã có những chia sẻ xung quanh quyết định này.
Bà Nguyễn Thị Hồng. |
Bà có thể cho biết lý do của việc điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động bằng đô la áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức và cá nhân?
Trong quá trình chỉ đạo, điều hành chính sách những năm qua, Thống đốc NHNN luôn quán triệt phương châm xuyên suốt là nâng cao vị thế của đồng Việt Nam và từng bước chống đô la hóa theo chủ trương của Chính phủ. Với phương châm này, NHNN đã có xu hướng điều chỉnh giảm dần mức lãi suất huy động ngoại tệ xuống còn 0,25%/năm áp dụng đối với tổ chức và 0,75%/năm áp dụng đối với cá nhân. Quá trình này kết hợp với việc thực hiện đồng bộ các công cụ và giải pháp CSTT đã đem lại sự ổn định của thị trường tiền tệ, ngoại hối trong mấy năm qua.
Thời gian qua, mặc dù có những biến động nhưng thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước về cơ bản ổn định, tuy nhiên, một bộ phận tổ chức, cá nhân có biểu hiện găm giữ ngoại tệ. Bởi vậy, NHNN quyết định tiếp tục giảm mức trần xuống 0% áp dụng đối với tổ chức và 0,25%/năm áp dụng đối với cá nhân. Giải pháp này phù hợp với phương châm điều hành, đồng thời góp phần nâng cao sức hấp dẫn của VND, hạn chế tình trạng đô la hóa.
Bà có thể cho biết tình trạng thanh khoản ngoại tệ của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện nay?
Thanh khoản ngoại tệ hiện nay của hệ thống các TCTD vẫn đang trong tình trạng ổn định, nếu tính tỷ lệ tín dụng trên huy động ngoại tệ trên thị trường 1 trong nước chỉ ở mức khoảng 80% trong khi giai đoạn 2011 – 2012 tỷ lệ này ở mức trên 100%. Nếu tính cả nguồn vốn vay nước ngoài thì tỷ lệ này chỉ vào khoảng 60%.
Định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong thời gian tới sẽ thế nào, thưa bà?
Thời gian tới, NHNN sẽ bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành đồng bộ các công cụ và giải pháp nhằm đạt được mục tiêu của chính sách tiền tệ đã đề ra là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chuyên gia, ngân hàng nói gì?
TS.Nguyễn Minh Phong, – Chuyên gia Kinh tế:
Lần đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước đưa mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức là 0%/năm.Đây là một bước rất căn bản cắt bỏ động lực gửi USD lấy lãi của các doanh nghiệp và các tổ chức, góp phần giảm thiểu tình trạng USD hóa. Đây là giải pháp đã đi đến giới hạn của sự quyết liệt.
Quyết định này giúp cho NHNN có thêm cơ hội để giảm bớt áp lực phải chi bán ngoại tệ cân đối trong năm vừa qua khi điều chỉnh tỷ giá. Bởi vì, khi các doanh nghiệp không còn động lực để gửi tiết kiệm USD nữa thì họ phải có giải pháp xử lý nguồn ngoại tệ của mình, có thể là mua đi bán lại với nhau hoặc bán ra để lấy tiền Việt hoặc chuyển đổi sang loại ngoại tệ khác… Việc này sẽ tạo ra sự tăng lượng cung ngoại tệ trên thị trường, qua đó giúp cho các đơn vị thiếu có thể mua được, kể cả NHNN trong việc mua để bổ sung dự trữ ngoại hối.
Đây là có thể là kịch bản chuẩn bị trước của NHNN trong việc ứng phó với việc có thể tăng lãi suất của Fed trong thời gian tới. Hiện tại, áp lực tăng đã có và rất có thể Fed sẽ tăng lãi suất đồng USD vào cuối năm 2015. Khi đó, NHNN có thể điều chỉnh tăng trở lại với mức như cũ hoặc tương đương. Điều này sẽ giúp cho lãi suất của đồng USD không bị cao quá và không kích thích dòng chảy ngược trở lại từ VND sang USD.
TS.Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng:
"Quyết định của NHNN giảm lãi suất tiền gửi USD không những giảm thiểu hiện tượng đô-la hóa mà còn làm giảm áp lực lên tỉ giá. Đây là một quyết định quan trọng và cần thiết để ổn định tiền đồng trong lúc này. Chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi USD và lãi suất tiền gửi VND tăng lên do lãi suất tiền gửi USD giảm xuống mức thấp nhất có thể như theo quyết định mới đây, sẽ khuyến khích cá nhân và các tổ chức kinh tế bán USD và gửi tiền vào tài khoản VND để hưởng lãi suất cao. Trong trường hợp tổ chức kinh tế có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ trong tương lai thì việc bán ngoại tệ lấy tiền đồng để gửi lấy lãi rồi mua ngoại tệ khi đến hạn thanh toán hoặc mua ngoại tệ kỳ hạn luôn cũng có lợi hơn là găm giữ ngoại tệ.
Trong bối cảnh tín dụng ngoại tệ đang giảm như hiện nay, cho dù khách hàng rút USD để chuyển sang tiền gửi VND hay đầu tư vào các kênh khác thì thanh khoản USD trong những tháng tới vẫn được đảm bảo.Như vậy, việc giảm lãi suất tiền gửi USD làm giảm động cơ găm giữ USD và tác động bình ổn mặt bằng lãi suất tiền đồng, hỗ trợ quá trình hồi phục của nền kinh tế
Ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc NHTM CP Công thương Việt Nam:
Tôi cho rằng, với việc điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ của tổ chức và dân cư có hiệu lực từ ngày hôm nay về góc độ Nhà nước thì đây là một quyết định hoàn toàn phù hợp với các diễn biến thị trường ngoại tế quốc tế, cũng như giảm đi tình trạng găm giữ ngoại tệ và kiểm soát tốt hơn tỷ giá ngoại tệ theo mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, cũng như phù hợp lộ trình chống đô la hóa của Chính phủ, về phía ngân hàng thương mại, ngay tại ngân hàng công thương như tôi trình bày, cân đối vốn ngoại tệ hôm nay rất tốt, tỷ giá niêm yết và tỷ giá giao dịch của các ngân hàng trong chiều nay đã giảm bình quân từ 10- 15 đồng. Chắc chắn người dân doanh nghiệp họ sẽ phải tính toán một cách hợp lý giữa việc nắm giữ đồng tiền ngoại tệ đó với mức lãi suất như vậy hay chuyển đổi ra tiền đồng để đầu tư kinh doanh hoặc gửi với lãi suất cao hơn. Tôi cho rằng với việc điều hành này sẽ có một lượng vốn chuyển đổi sang tiền đồng và như vậy sẽ tăng nguồn cung ngoại tệ, hỗ trợ ổn định tỷ giá cũng như ổn định mặt bằng lãi suất tiền đồng./.