Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về thực phẩm sạch, nhiều doanh nghiệp, HTX và hộ dân trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã, đang xây dựng, phát triển mô hình nông nghiệp xanh, "sạch từ trang trại đến bàn ăn”. Cách làm này không chỉ góp phần khắc phục tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thương hiệu bưởi Khả Lĩnh nhiều năm nay được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh Yên Bái biết đến bởi mẫu mã cũng như chất lượng của sản phẩm. Có được điều này là do ở hầu hết các vùng chuyên canh trồng loại bưởi này, người dân đã áp dụng quy trình trồng theo hướng hữu cơ và theo tiêu chuẩn VietGap. Điển hình như ở xã Hán Đà - nơi có gần 180 ha bưởi thì có tới gần một nửa diện tích được trồng theo phương pháp hữu cơ.

Ông Nguyễn Minh Chính, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Hán Đà, huyện Yên Bình cho biết, ban đầu khi chuyển sang phương pháp hữu cơ, người dân cũng gặp không ít khó khăn do chưa nắm vững các kỹ thuật và sự hiểu biết về các tiêu chuẩn, quy định về nông nghiệp hữu cơ; thậm chí nhiều người dân còn có tâm lý nghi ngờ về phương pháp này. Tuy nhiên chính quyền các địa phương đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để người dân yên tâm canh tác.

Chị Trần Thị Thu ở thôn Quyết Tiến, xã Y Can, huyện Trấn Yên gắn bó với nghề chăn nuôi gà từ hơn 6 năm nay. Ban đầu, mỗi lứa chỉ vài trăm con, đến nay, đàn gà của chị đã hơn 3.000 con.

Bước ngoặt mang đến thành công trong chăn nuôi của gia đình chị Thu là khi được tham gia vào HTX Nông nghiệp Quyết Tiến; được tập huấn và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap. Chuồng nuôi được xây dựng thông thoáng theo đúng tiêu chuẩn, môi trường chăn nuôi thường xuyên được phun khử trùng, khử mùi hạn chế mầm bệnh; nền chuồng được rải lớp đệm lót sinh học để phân giải các chất thải chăn nuôi, nguồn nước uống đảm bảo sạch sẽ.

Bà Ninh Thị Mai, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quyết Tiến, xã Y Can, huyện Trấn Yên cho biết: Hiện nay HTX có 7 hộ thành viên đang áp dụng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGap … Việc duy trì ổn định phương pháp chăn nuôi này vừa đem lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên, vừa góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân địa phương.

"Con gà chất lượng thịt rất ngon, chính vì vậy các thương lái hoặc các đơn vị nhập hàng người ta rất thích. Con gà được chứng nhận VietGap rồi nhưng mà mơ ước mình sẽ được liên kết thành chuỗi giá trị sản phẩm. Thứ hai nữa là mong muốn chế biến thành thương phẩm thì giá trị kinh tế nó sẽ nâng lên", bà Ninh Thị Mai chia sẻ.

Xác định tầm quan trọng của việc sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều chương trình, hành động cụ thể để nâng cao nhận thức cho người dân về canh tác nông nghiệp xanh, an toàn, từ đó góp phần gia tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác. Một trong số đó là chuyển giao kỹ thuật thông qua các lớp tập huấn về bảo vệ môi trường đất, môi trường nước, lựa chọn cây trồng, con giống không biến đổi gen, áp dụng quy trình canh tác an toàn... 

Chị Bùi Diệu Hằng, Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp thành phố Yên Bái cho biết: "Với vai trò là hướng dẫn kỹ thuật và đồng hành cùng bà con, chúng tôi cũng hướng dẫn bà con sử dụng phương pháp canh tác hữu cơ để mang lại hiệu quả. Đó là, tập trung sử dụng phân bón hữu cơ, thứ hai là quản lý dịch hại bằng các phương pháp sinh học và thứ ba là làm cỏ thì bằng phương pháp cơ giới".

Theo số liệu thống kê, tỉnh Yên Bái đến nay đã có 183 sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chặt chẽ về vùng nguyên liệu, quy trình trồng sạch, chế biến sạch, cũng như xây dựng được nhãn hiệu cho sản phẩm. Toàn tỉnh cũng đã có trên 130 cơ sở, nhóm hộ áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến như VietGap, hữu cơ...

Việc thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng cho thấy xu thế phát triển nông nghiệp xanh gắn với thực phẩm sạch là tất yếu, giúp ngành nông nghiệp không ngừng phát triển trong không gian kinh tế mở, với nhiều cơ hội và cũng đầy thách thức. Việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi theo hướng xanh cũng phù hợp với mục tiêu được đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, theo đó hướng phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với từng vùng, miền; khai thác tiềm năng lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho hộ dân, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.