Tại Hội thảo Tổng kết Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực và phát triển ngành dịch vụ phân phối tại Việt Nam giai đoạn 2” do Bộ Công Thương phối hợp với World Together (Hàn Quốc) tổ chức ngày 14/11, tại Hà Nội, Ban tổ chức cho biết, thông qua Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, Dự án đã tổ chức đào tạo nghề và tạo cơ hội việc làm cho các lao động hiện tại trong ngành bán lẻ; hỗ trợ đào tạo cho các nhà bán lẻ nhỏ, cán bộ, công chức của Bộ Công Thương nâng cao năng lực để phát triển thị trường truyền thống và hiện đại tại Việt Nam.
Ông Lê Đình Vũ, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ sinh viên, Đại học Công nghiệp TP.HCM cho biết, các lớp nghiệp vụ nghề về quản trị bán lẻ và lớp đào tạo nghiêp vụ nghề Bakery và Delica cũng đã đào tạo được cho gần 300 học viên từ giáo trình đào tạo được chuẩn bị bài bản bởi các chuyên gia từ Hàn Quốc. Trong khuôn khổ Dự án cũng đã tổ chức được 3 khóa đào tạo tại Hàn Quốc cho các đối tượng gồm công chức của Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố; giảng viên của Trường Đại học và học viên tham gia các khóa đào tạo đạt kết quả tốt.
“Đến nay, các khóa đào tạo cho giảng viên các trường thuộc Bộ Công Thương đã thu hút được 90 giảng viên tham gia và được đánh giá cao về nội dung đào tạo cũng như mức độ hài lòng thông qua khảo sát là trên 85%”, ông Vũ cho biết.
Mặc dù thời gian thực hiện Dự án trùng với cao điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song theo bà Choi Yoo Kyung, Tổ chức World Together - Giám đốc điều hành Dự án cho biết, hai bên tiến hành họp bàn thảo luận nhiều nội dung và phối hợp hết sức tích cực để dự án có thể đạt được thành công, chỉ tiêu ấn tượng vượt mức đề ra dù tình hình hết sức khó khăn, hạn chế do đại dịch.
“Những kết quả đạt được từ Dự án sẽ tiếp tục được duy trì với sự quan tâm và vai trò nòng cốt của Bộ Công Thương và Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, để Việt Nam và Hàn Quốc có thể hướng đến mục tiêu cao nhất là phát triển ngành dịch vụ phân phối ở Việt Nam cao hơn và tốt hơn nữa. Đặc biệt, Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM tiếp tục duy trì các modul đào tạo theo nhu cầu của DN, cũng như xây dựng thêm nhiều thể chế hợp tác với các DN, mở rộng hỗ trợ nghiệp vụ cho các tiểu thương trong thời gian tới”, bà Choi Yoo Kyung mong muốn.
Bà Choi Yoo Kyung cũng thông tin thêm, sau khi Dự án kết thúc, các DN Hàn Quốc vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm nhân tài phù hợp thông qua các mô hình thực hành thử nghiệm, tư vấn chính sách cũng như phương thức hoạt động để hoạt động của các hệ thống phân phối của Việt Nam và Hàn Quốc hoạt động theo phương thức nhất quán.
Tại hội thảo, bà Lê Việt Nga, Phó vụ Trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, Việt Nam là quốc gia đang trên đà phát triển, được đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng với lợi thế dân số đông gần 100 triệu người, trong đó người trẻ chiếm tỷ lệ cao. Do vậy, Việt Nam luôn là thị trường bán lẻ có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó phát triển hạ tầng thương mại trong nước đồng bộ, hiện đại và bền vững, phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn (khu vực, vùng, miền và cả nước), trong từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa trong nước và hỗ trợ xuất khẩu.
“Dựa trên kinh nghiệm của thị trường phân phối Hàn Quốc đã cho thấy, việc phát triển hài hòa giữa phân phối quy mô lớn và hiện đại và chợ truyền thống là vấn đề cốt lõi. Do vậy, bên cạnh mục tiêu nâng cao năng lực nguồn nhân lực trong ngành dịch vụ phân phối, mục tiêu thứ hai của Dự án là tìm kiếm các giải pháp để thúc đẩy phát triển cân bằng và toàn diện ngành phân phối truyền thống và hiện đại tại Việt Nam”, bà Nga khẳng định.
Cũng theo bà Nga, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về thương mại nói chung và thương mại nội địa nói riêng, Bộ Công Thương xác định việc cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển, hiện đại hóa ngành phân phối là yêu cầu thiết yếu, tuy nhiên cần phát triển cân bằng giữa các kênh phân phối hiện đại và kênh phân phối truyền thống./.