Sau 15 năm triển khai, hiện mới có 42 chỉ dẫn địa lý được xây dựng. Để tận dụng cơ hội lớn do Hiệp định TPP mang lại đối với các sản phẩm nông sản, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa khởi động dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam”, nhằm tiến gần đến sự hội nhập trong đăng ký và quản lý chỉ dẫn địa lý với các nước trong khu vực và trên thế giới, tạo công cụ đắc lực để phát triển kinh tế bền vững.
Phóng viên VOV phóng vấn ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ về vấn đề này.
Ông Trần Việt Thanh |
PV: Thưa ông, sở hữu trí tuệ được coi là động lực cho phát triển kinh tế và xã hội. Vậy sở hữu trí tuệ nói chung và chỉ dẫn địa lý nói riêng ở Việt Nam hiện nay như thế nào?
Ông Trần Việt Thanh: Sau 15 năm, (tính từ năm 2001), từ khi Việt Nam xây dựng chỉ dẫn địa lý đầu tiên với sự hỗ trợ từ phía Pháp cho đến nay, đã tự xây dựng được 42 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Dự án “hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam” là một dự án rất quan trọng để giúp thương mại hóa các sản phẩm nông sản. Trong quá trình xây dựng dự án này, cũng đánh giá lại hoạt động sở hữu trí tuệ nói chung, chỉ dẫn địa lý nói riêng.
Có thể nói, hiện nay, nước ta đã hình thành được hệ thống sở hữu trí tuệ khá hoàn thiện; có Luật Sở hữu trí tuệ đạt được những chuẩn mực của các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, nền kinh tế của ta đang hội nhập tích cực và sâu rộng, nên việc đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ là một nhu cầu cấp bách.
Việt Nam có thế mạnh rất lớn về nông sản, với truyền thống, văn hóa và đặc thù địa lý. Tuy nhiên, với 42 chỉ dẫn địa lý đã được xây dựng, nhận thấy tác động của những chỉ dẫn địa lý này đối với nền kinh tế còn chưa đáp ứng nhu cầu. Chỉ riêng thương hiệu nước mắm Phú Quốc đã đẩy mạnh và hình thành được chỗ đứng nhất định trên thị trường quốc tế trải qua nhiều năm. Còn các sản phẩm khác chưa phát huy được vai trò như mong muốn.
PV: Như ông nói, Việt Nam có thế mạnh rất lớn về nông sản với hàng trăm sản phẩm có thể xuất khẩu rộng rãi hơn nếu có chỉ dẫn địa lý, nhưng hiện Việt Nam mới chỉ có 42 chỉ dẫn địa lý. Vậy nguyên nhân là đâu, thưa ông?
Ông Trần Việt Thanh: Chính phủ đã cho phép Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ triển khai dự án “hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam”, tập trung xử lý mấy vấn đề còn khó khăn của chúng ta. Thứ nhất là về thể chế. Hệ thống chính sách, cơ chế, từ xây dựng đến quản lý chỉ dẫn địa lý nào cho hiệu quả vẫn chưa có được một chính sách chung. Các bộ, ngành, địa phương vẫn triển khai chưa đồng bộ, chưa tạo được sức mạnh đồng nhất, tổng hợp.
Thêm vào đó, bản thân việc quản lý các chỉ dẫn địa lý vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là việc đảm bảo chất lượng của các sản phẩm đã được chỉ dẫn địa lý với các tiêu chuẩn đã được xây dựng. Cuối cùng là sự vào cuộc của doanh nghiệp, hiệp hội trong thực tiễn còn ít. Khi giải quyết được những vấn đề này, chỉ dẫn địa lý sẽ trở thành công cụ đắc lực nhằm phát triển bền vững kinh tế.
PV: Gạo là một trong những sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam. Vậy quy trình xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Việt Thanh: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, 20% giá trị gạo xuất khẩu ra nước ngoài phải có thương hiệu. Còn hiện nay chúng ta xuất khẩu gạo nhiều nhưng chưa có thương hiệu. Đến năm 2030, là 50% giá trị và đi 50 nước với thương hiệu gạo là của Việt Nam. Muốn xây dựng được thương hiệu gạo của Việt Nam thì đây là một đề án tổng thể, trong đó phải đảm bảo được chuỗi giá trị sản xuất của sản phẩm đó. Cụ thể như hạt gạo, từ giống, quy trình canh tác cho đến chế biến hạt gạo phải đảm bảo chất lượng. Khi có chất lượng tốt, hình thành nên thương hiệu gạo Việt, chúng ta có thể đăng ký và được bảo hộ ở các nước. Đối với các sản phẩm khác cũng như vậy.
PV: Xin cảm ông!