Các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội là vấn đề diễn ra từ nhiều năm nay tại Đắk Lắk. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh, tại thời điểm này, toàn tỉnh vẫn còn 75 doanh nghiệp nợ tổng cộng hơn 29 tỷ đồng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm kéo dài trong nhiều năm với số tiền từ 1 đến 4 tỷ đồng.

Thực tế cho thấy, các quy định hiện hành trong lĩnh vực này chưa hợp lý, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, nên công tác thu hồi nợ đọng của cơ quan bảo hiểm xã hội ở Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Công ty TNHH Một thành viên Dray H’Linh, xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk là một trong số các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội kéo dài trong nhiều năm. Trong số trên 900 lao động của công ty, chỉ có 82 lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội, và đến nay, đơn vị này nợ trên 1,9 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội.

Ông Hoàng Trọng Đức, Giám đốc Công ty cho biết, sở dĩ có tình trạng nợ bảo hiểm xã hội là do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Hiện công ty đang áp dụng hình thức giao khoán trong sản xuất, phần đóng bảo hiểm được tính trong phần khoán sản phẩm, điều kiện để người lao động đóng bảo hiểm xã hội lại càng khó.

“Do diện tích đất giao cho người lao động tổ chức sản xuất có hạn và khả năng tài chính của doanh nghiệp thấp, vốn chỉ có 2,5 tỷ. Mức bình quân nhận khoán của hộ đồng bào dân tộc thiểu số chỉ có 5 sào, nên thu hoạch và lợi nhuận từ diện tích này rất ít”.

Theo phân tích của Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk, tình trạng nợ bảo hiểm xã hội không chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh mà ngay cả những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh, kinh doanh có lãi cũng chây ỳ, chậm đóng bảo hiểm. Đây được xem như một hình thức lách luật, chiếm dụng vốn bảo hiểm xã hội vào mục đích kinh doanh.

Ông Nguyễn Văn Chấn, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk dẫn chứng: “Một số đơn vị làm ăn tương đối tốt nhưng vẫn lách luật như Công ty cổ phần cơ khí Thống Nhất, Công ty Ngọc Hùng ở Ea H’Leo, kể cả nhiều đơn vị lớn. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã làm hết sức mình nhưng chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Đơn cử như nợ Bảo hiểm xã hội, chỉ thu lãi 10,5% một năm, trong khi đó, các doanh nghiệp đi vay vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất trên 15% năm. Vì lợi ích đó mà các doanh nghiệp cố tình nợ đọng, chiếm dụng vốn bảo hiểm xã hội để đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Theo Nghị định 86/2010 của Chính phủ, mức phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội chỉ có 30 triệu đồng nên nhiều doanh nghiệp chấp nhận mức phạt, thậm chí chấp nhận tính lãi để được nợ đóng bảo hiểm. Trong khi đó, ngành bảo hiểm hiện nay không có quyền xử phạt mà chỉ có quyền phát hiện và khởi kiện. Tuy nhiên, thủ tục xử phạt hay khởi kiện một đơn vị nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội còn rất nhiều vướng mắc, phức tạp. Vì vậy, trong thực tế, bảo hiểm xã hội Đắk Lắk chưa khởi kiện doanh nghiệp nào.

Ông Lê Văn Khánh, Trưởng phòng Thu, Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk khẳng định: Các chế tài về xử phạt vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội chưa đủ mạnh để răn đe những đơn vị này. Thứ hai, cơ quan bảo hiểm xã hội không có quyền đủ mạnh để thực hiện chức năng xử phạt mà phải phối hợp với nhiều cơ quan khác như Sở lao động, Thương binh và Xã hội”.

Không chỉ chế tài xử phạt quá nhẹ, công tác quản lý doanh nghiệp sau khi đăng ký kinh doanh ở tỉnh Đắk Lắk còn lỏng lẻo. Tính đến tháng 3 năm 2012, tỉnh Đắk Lắk có trên 6.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, nhưng chỉ có trên 1.000 doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội, với hơn 14.000 lao động.

Tình trạng chậm đóng, nợ bảo hiểm xã hội kéo dài của các doanh nghiệp đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động, ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương trong cả nước. Để tháo gỡ những khó khăn trong công tác thu hồi nợ bảo hiểm xã hội, Chính phủ cần sớm ban hành quy định với chế tài xử phạt đủ mạnh, đủ sức răn đe, nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp chiếm dụng nguồn tiền bảo hiểm xã hội vào mục đích sản xuất kinh doanh./.