Tỉnh Kon Tum tiếp tục chú trọng, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã, tổ hợp tác; nâng cao hiệu quả đóng góp của khu vực kinh tế tập thể vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững; nâng cao vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tập thể trong nền kinh tế.
Đây là khẳng định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm triển khai thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 tổ chức hôm nay (23/11), tại thành phố Kon Tum.
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, đến nay tỉnh Kon Tum có 194 Hợp tác xã với trên 9.700 thành viên và 210 tổ hợp tác với gần 2.200 tổ viên đang hoạt động. Thu nhập bình quân của một lao động trong Hợp tác xã đạt khoảng 41 triệu đồng/năm.
Các Hợp tác xã, tổ hợp tác đã giải quyết việc làm cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giảm nghèo và cải thiện nâng cao đời sống hộ thành viên.
Ông Phạm Văn Khiêm - Giám đốc Hợp tác xã Thần Nông, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum cho biết, được thành lập cách đây 11 năm, nhờ có Nghị quyết của Đảng và Luật Hợp tác xã năm 2012, Hợp tác xã Thần Nông có điều kiện thuận lợi hơn để phát triển.
“Trong những năm qua, các sở, ban, ngành và Liên minh HTX rất quan tâm đến HTX nông nghiệp của chúng tôi. Các thành viên của HTX tinh thần rất tốt, gắn bó với HTX về công việc, về thu nhập. Luật HTX năm 2012 cũng là hướng mở cho các HTX. Sản xuất của HTX ổn định, mở rộng thêm dịch vụ buôn bán" - ông Phạm Văn Khiêm nói.
Từ hiệu quả thực tiễn 20 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và 10 năm triển khai thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum xác định, tiếp tục chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã, tổ hợp tác; nâng cao hiệu quả đóng góp của kinh tế tập thể vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững; nâng cao vai trò, vị trí của kinh tế tập thể trong nền kinh tế.
Trước mắt tỉnh triển khai ngay giải pháp khắc phục những hạn chế đang tồn tại, như: Hợp tác xã có quy mô nhỏ; sản phẩm hàng hóa ít, chất lượng chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp; phát triển không đồng đều giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp; thu nhập của thành viên Hợp tác xã thấp hơn bình quân chung cả nước; dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế./.