Tại Hội thảo quốc tế về hợp tác công tư (PPP) do Ngân hàng Thế giới (WB) và UBND TP.HCM tổ chức ngày 27/3, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế đầu tư theo hình thức đối tác công tư lĩnh vực y tế, giáo dục, xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải và chống ngập… Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam cần hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực này vì hiện nay những quy định về đầu tư theo hình thức PPP chỉ mới dừng ở mức nghị định.

Ngoài ra, PPP là đầu tư dài hạn và nhiều rủi ro nên các hợp đồng này cần đấu thầu công khai, minh bạch, theo nguyên tắc thị trường; các hợp đồng này phải phân chia rõ ràng, hợp lý quyền lợi, rủi ro giữa các bên. Mặc khác, dù là huy động vốn đầu tư công nhưng cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm soát chất lượng các công trình, dịch vụ của hình thức đầu tư PPP. Các cơ quan chức năng cũng cần xây dựng hợp đồng mẫu về đầu tư theo hình thức PPP cho từng lĩnh vực để giảm thời gian và chi phí hành chính cho nhà đầu tư.

vov_ppp_knvs.jpg
 Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo

Giai đoạn 2016-2020, TP.HCM cần hơn 326.000 tỷ đồng (14,7 tỷ USD) xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ công để phát triển thành phố. Tuy nhiên, thành phố chỉ có khả năng đáp ứng được 52% nguồn vốn này. Trong đó, từ 2016-2018, vốn đầu tư của khu vực Nhà nước cho lĩnh vực này hơn 8,47 tỷ USD. Riêng thu hút đầu tư bằng hình thức PPP, từ năm 2000 đến nay, thành phố đã có 22 dự án với tổng số vốn gần 70.000 tỷ đồng, trong đó có 16 dự án thuộc hạ tầng giao thông, 5 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và môi trường; cụ thể đó là tuyến đường Tân Sơn Nhất-Vành đai Bình Lợi, Cầu Sài Gòn, Cầu Phú Mỹ…

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch tịch UBND TP.HCM cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư: “Chúng tôi cam kết tạo môi trường đầu tư tốt nhất để nhà đầu tư có những trải nghiệm mời khi đầu tư lâu dài ở TP.HCM. Thành phố mong muốn các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư kiên trì hợp tác đầu tư, đặt niềm tin vào các cải cách của thành phố. Năm 2019 là năm đột phá cải cách hành chính, xem đây là chìa khóa quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư”./.