Mới đây, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) công bố báo cáo Triển vọng dầu mỏ thế giới năm 2022, trong đó nâng dự báo về nhu cầu dầu mỏ thế giới trong trung và dài hạn. OPEC cũng đưa ra khuyến nghị cần phải đầu tư hơn 12.000 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu hiện nay, bất chấp quá trình chuyển đổi năng lượng.

Báo cáo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cho thấy, nhu cầu dầu mỏ của thế giới sẽ đạt 103 triệu thùng/ngày vào năm 2023, tăng 2,7 triệu thùng/ngày so với năm 2022 và tăng 1,4 triệu thùng/ngày so với dự báo trước đó. OPEC cũng nâng dự báo nhu cầu trong trung hạn đến năm 2027, thêm 2 triệu thùng/ngày. Trong khi đó dự báo đến năm 2030, nhu cầu dầu mỏ trung bình của thế giới là 108,3 triệu thùng/ngày và đến năm 2045 là 109,8 triệu thùng/ngày, cao hơn dự báo đưa ra vào năm 2021.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cũng đưa ra cảnh báo, tình trạng hạn chế nguồn cung sẽ kéo dài trong trung hạn, với sản lượng của OPEC trong năm 2027 sẽ thấp hơn mức của năm 2022, trong khi nguồn cung của các nước không thuộc OPEC sẽ tăng lên.

Báo cáo của OPEC trái ngược với quan điểm của các nhà dự báo khác cho rằng, nhu cầu dầu mỏ đạt mức cao trước năm 2030 bởi thời gian sau có sự gia tăng của năng lượng tái tạo và ô tô điện. Tuy vậy gần một thập kỷ nữa nhu cầu dầu tăng sẽ là động lực cho 13 thành viên OPEC phụ thuộc vào thu nhập từ dầu mỏ, tổ chức có. Tổ chức này khẳng định dầu mỏ vẫn là một phần của lộ trình chuyển đổi năng lượng và việc các nhà đầu tư tập trung vào các vấn đề kinh tế, xã hội và quản trị đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt đầu tư.

Trong báo cáo OPEC nhận định, thế giới cần đầu tư 12.100 tỷ USD vào lĩnh vực dầu mỏ từ nay đến năm 2045, bởi sự thiếu hụt đầu tư vào ngành dầu mỏ toàn cầu trong những năm gần đây, do ngành công nghiệp suy thoái, đại dịch Covid-19, chính sách hỗ trợ chấm dứt các dự án nhiên liệu hóa thạch, đang trở thành mối quan ngại lớn./.