Giá vàng vài ngày nay liên tục xô đổ các kỷ lục về giá ở cả thị trường châu Á và thế giới. Thị trường trong nước thêm một phen náo loạn về giá. Một lần nữa, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại phải phát đi thông điệp tiếp tục cho phép nhập khẩu vàng, đồng thời sẽ theo dõi sát và sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường vàng.

Xét trong bối cảnh hiện tại, giá vàng tăng và các biện pháp can thiệp đang tạo sức ép lên tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD. Sức ép này đang lớn dần bởi rất nhiều yếu tố khác ngoài vàng.

Các tác nhân gây sức ép

Theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính, có 3 nhân tố chính đang tạo sức ép về tỷ giá. Đó là, tác động của thị trường vàng. Hậu quả của tín dụng ngoại tệ cao và cầu ngoại tệ cuối năm tăng. Trong 3 yếu tố này, thị trường vàng “sốt nóng”  là lực đẩy chính khiến tỷ giá VND và USD tăng sau khi đã duy trì sự ổn định trong suốt 3 tháng qua. Ngày 24/8, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố thu gom ở mức kịch trần 20.830 đồng và bán ra 20.834 đồng/USD, tăng 30 đồng/USD mua vào và tăng 10 đồng/USD bán ra so với ngày hôm trước.

Lý giải cho câu chuyện tỷ giá bị sức ép, TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM phân tích: “Cho nhập vàng thì dẫn tới nhập siêu tăng và đồng thời ép giá USD rất cao. NHNN tuyên bố cho nhập khẩu vàng, lập tức tỷ giá USD đã nhích lên. Chúng ta đã nhập khoảng 3 tấn vàng dưới sự cho phép của NHNN, cộng với việc đồng USD chao đảo trên thị trường thế giới đã làm cho tỷ giá đồng USD tăng. Theo tôi, tỷ giá USD từ giờ đến cuối năm có thể tăng dần dần”.

Nhiều chuyên gia tài chính nhận định, thị trường ngoại tệ có thể đang đứng trước những “con sóng ngầm” khi thời hạn trả nợ của các khoản vay bằng USD của rất nhiều doanh nghiệp (DN) sắp đến. Con số chính thức từ NHNN cho thấy, tín dụng ngoại tệ đến hết tháng 6 tăng hơn 23% so với cuối năm 2010, trong khi tín dụng tiền đồng tăng chưa tới 3%.

Ở thời điểm cách đây 1- 2 tháng, khi  nhu cầu cho vay USD mạnh lên khiến cho một số ngân hàng  có động thái lách trần lãi suất huy động nguồn vốn này từ người dân và doanh nghiệp. Theo tính toán của bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, 1 - 2 tháng nữa là khoảng thời gian các DN phải trả nợ nên nhu cầu về USD sẽ tăng lên và đây là một trong những áp lực làm cho giá USD có thể biến động theo chiều hướng tăng.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Nhu cầu USD cao, khiến giá USD cao. DN vay để thanh toán giao dịch nhập khẩu, trả nợ. Ngoài ra, có chuyện DN vay USD rồi chuyển sang tiền đồng, sau đó gửi lại vào ngân hàng để hưởng lãi suất tiền đồng cao hơn nhiều so với USD. Chênh lệch này có thể lên đến ít nhất 10%. Do nhu cầu vay USD cao và ngân hàng thương mại cũng tìm cách đáp ứng nhu cầu đó bằng việc mua vào USD, do vậy đã đẩy giá USD lên.

Phải ổn định giá trị tiền đồng!

Trước tình hình này, NHNN đã thông báo quan điểm chỉ đạo điều hành của NHNN trong những tháng cuối năm nay là ổn định tỷ giá. Theo NHNN, có nhiều tín hiệu có thể làm dịu được sức ép tỷ giá. Đó là, phân tích cán cân thanh toán tổng thể trong những tháng vừa qua và dự báo những tháng cuối năm cho thấy cán cân thanh toán tổng thể năm 2011 có khả năng thặng dư từ 2,5 - 4,5 tỷ USD.

Ổn định tỷ giá cũng sẽ là cơ sở quan trọng để bình ổn giá vàng theo hướng làm cho giá vàng trong nước bám sát giá vàng quốc tế. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng chính sách tiền tệ Quốc gia, điều quan trọng lúc này là phải ổn định giá trị tiền đồng để giảm sức ép lên tỷ giá.

Bà Nguyễn Thị Mùi nhấn mạnh: "Cung và cầu về USD của ta vẫn chênh lệch, nhập siêu vẫn chiếm tỷ lệ lớn, mà nhập siêu trong ngắn hạn chưa giải quyết được. Một số lĩnh vực vẫn cần nguồn ngoại tệ để thanh toán như nhập máy móc, thiết bị. Trong bối cảnh như vậy, nếu không cân đối được cung cầu, thì rõ ràng sẽ đẩy tỷ giá lên. Đồng tiền Việt Nam chưa thật sự ổn định thì việc hướng tới tự do hóa tỷ giá là cần thiết nhưng vẫn phải có lộ trình phù hợp và điều quan trọng là làm sao để đồng tiền Việt Nam ổn định, tạo niềm tin cho người dân, DN, nhà đầu tư, để không tạo ra sức ép về tỷ giá lớn như hiện nay”.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính, nhập siêu, tỷ giá và lãi suất tiếp tục là những vấn đề nóng. Riêng về câu chuyện tỷ giá, giới doanh nhân phấn khởi với thông tin từ Thống đốc NHNN là, từ tháng 4 đến nay, NHNN đã mua vào trên 6 tỷ USD. Đây được xem là nguồn ngoại tệ quan trọng để hy vọng giảm áp lực căng thẳng về tỷ giá từ nay đến cuối năm./.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ so với tốc độ tiền gửi ngoại tệ không tương xứng. Tiền gửi ngoại tệ giảm, trong khi tín dụng ngoại tệ lại tăng cao tới 23% trong 6 tháng. Đó là hiện tượng đang diễn ra và đe dọa mất cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn trong hệ thống ngân hàng. Chắc chắn, cuối năm nay sẽ có “vấn đề” vì khi đó đến hạn doanh nghiệp phải trả ngoại tệ nên sẽ làm tăng cung ngoại tệ. Lúc đó nếu nguồn cung ngoại tệ không dồi dào thì sẽ tăng áp lực về tỷ giá. Bài toán sẽ khó giải. Đây là điều mà Ngân hàng Nhà nước phải sớm can thiệp. Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam