Sau khi Bộ Công Thương quyết định áp thuế tự vệ thương mại tạm thời với phôi thép và thép xây dựng, giá thép đã bị đẩy lên cao do tình trạng đầu cơ ở khâu trung gian. Tuy nhiên, sau khi một số nhà sản xuất thép lớn cam kết sẽ không tăng giá, các đại lý đã buộc phải giảm giá bán.

jck1428027326_hvew.jpg
Giá thép xây dựng đã giảm khiến nhiều đại lý thép thua lỗ nặng. (Ảnh: Internet)
Hiện tại, giá thép bán lẻ trên thị trường đã về mức 11.000-11.500 đồng một kg tùy loại và thương hiệu, thấp hơn 15% so với thời điểm cuối tháng 3. Diễn biến này khiến nhiều nơi "ôm" hàng với mục tiêu đầu cơ chờ giá lên bị thua lỗ nặng. Mức phổ biến từ khoảng trăm triệu đồng với các đại lý cấp ba tới hàng tỷ đồng với các đại lý cấp một.

Phổ biến nhất là các đại lý cấp hai, "ôm" hàng khi giá thép tăng cao, với kỳ vọng giá thép sẽ tiếp tục tăng nữa. Một cửa hàng tại thị trấn Phùng, Hà Nội đã gom một khối lượng hàng khá lớn lúc giá thép là 12,5 triệu đồng một tấn, nhưng giờ bán ra chỉ 11-11,3 triệu đồng.

Theo chủ đại lý thép Yến Vinh (Hưng Yên) cho biết giá bán đã giảm khoảng một triệu đồng mỗi tấn so với hồi cuối tháng 3, nên cơ sở này bị lỗ khoảng 100 triệu đồng với lô hàng xấp xỉ 100 tấn nhập từ trước. Chủ cửa hàng này cho biết, sức mua của dân rất ít, hầu hết các cửa hàng, đại lý thép dọc đường từ Phố Nối đến Khoái Châu đều ít nhiều bị thua lỗ, do giá bán thép giảm nhiều so với khi lấy hàng cách đây 15-20 ngày.

Tại Hải Dương, chủ cửa hàng bán lẻ thép và xi măng Chiến Nhung cũng chia sẻ, lượng hàng tồn trong cửa hàng lúc nào cũng từ vài chục đến hàng trăm tấn, mà giá giảm 10-15% so với cách đây chỉ nửa tháng, khiến cửa hàng tính sơ cũng lỗ gần trăm triệu đồng.

Các cửa hàng cấp dưới cũng trở thành nạn nhân khi các đại lý cấp một đầu cơ găm hàng để kiếm lợi. Trước Tết, nhiều nơi phân phối cấp hai của các nhà sản xuất thép đã nhận đặt hàng của dân ở mức giá trên dưới 10.000 đồng mỗi kg, với khối lượng khoảng 100-200 tấn, hoặc 300-400 tấn với cơ sở lớn hơn. Tuy nhiên, sau Tết, khi các đại lý cấp một của các nhà sản xuất thép biết thông tin về việc Bộ Công thương áp thuế tự vệ tạm thời, nên họ đã đầu cơ, không cấp hàng cho hệ thống, cộng thêm năng lực cung ứng kém của một số nhà sản xuất, khiến thị trường xảy ra cơn sốt tăng cầu ảo.

Dù giá cao, nhưng các đại lý cấp dưới vẫn phải chấp nhận lỗ, nhập hàng về để trả cho các đơn hàng đặt từ trước, tính ra lỗ tới 2 triệu đồng một tấn thép. 

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty SMC chuyên phân phối thép tại TP HCM cho rằng, giá thép bị đẩy lên cao một phần do hệ thống phân phối có vấn đề, từ đó ảnh hưởng đến người tiêu dùng, nhất là trên thị trường bán lẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Sưa - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tháng 3 là thời điểm nhu cầu thép tăng cao theo thông lệ hàng năm, các dự án khởi động lại sau thời gian nghỉ Tết dài, nhưng tâm lý muốn gom hàng sau quyết định áp thuế tự vệ tạm thời của Bộ Công Thương (ngày 7/3) cũng góp phần đẩy giá thép tăng cao trong quý I.

Dù giá thép tăng mạnh trong quý I, nhưng tính đến cuối tháng 3, theo VSA, lượng thép tồn kho vẫn còn khoảng 325.000 tấn. Thị trường sẽ có thêm nguồn cung khoảng một triệu tấn thép từ một loạt dự án mới được đưa vào vận hành trong năm nay.

“Điều này cho thấy, các doanh nghiệp hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, nên các đại lý, nhà phân phối không việc gì phải lo ôm hàng tích trữ thép”, ông Sưa nhấn mạnh./.