Bè nuôi cá lồng của ông Đinh Văn Thắng nằm lọt thỏm giữa vùng trời nước trong xanh trên lòng hồ thủy điện Đắk R’Tih ở vùng ven Thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Ông cho biết, nước hồ thủy điện rất sạch, phù hợp để nuôi nhiều loại cá như: chép, trắm, diêu hồng, cá koi… Trung bình mỗi năm, gia đình ông có thu nhập ổn định 500 -700 triệu đồng từ 2 lồng cá.

“Môi trường này rất là sạch vì ở đây nguồn nước thủy điện dòng chảy tốt không có ô nhiễm gì cả. Nuôi cá thì chỉ mất thời gian đầu, thì phải xử lý giai đoạn đầu tiên, qua thời gian khoảng 10 - 15 ngày, khi cá quen với môi trường rồi thì nó sẽ không bị chết” - ông Đinh Văn Thắng nói.

Cách Gia Nghĩa chừng 100 km, trên sông Krông Nô, từ nhiều năm nay, gia đình ông Bùi Văn Xô, ở xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô nuôi 15 lồng cá diêu hồng. Ông cho hay, mỗi năm gia đình thu được khoảng 120 tấn cá, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 400 triệu đồng. Khu vực này mặt nước rộng, lưu lượng dòng chảy phù hợp để phát triển việc nuôi cá, dù vẫn có những rủi ro.

“Khó khăn là mùa mưa nước về nhiều thì cá dễ chết; thứ hai là mùa khô thì nước xuống thấp cá cũng hao. Nuôi cá thì hiện giờ nguồn giống rất là khan hiếm” - ông Bùi Văn Xô chia sẻ.

Tỉnh Đắk Nông có tổng diện tích mặt nước có thể nuôi trồng thủy sản khoảng 17.500 ha, với một loạt hồ thủy điện lớn như Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4, Đăk R’tih, cùng hơn 250 hồ chứa thủy lợi và một số sông suối lớn. Đến nay, diện tích nuôi trồng thuỷ sản ở tỉnh đạt gần 2000 ha, với khoảng 1.200 lồng, sản lượng trên 7.300 tấn mỗi năm.

Theo ông Ngô Xuân Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, hiện còn nhiều rào cản đối với việc phát triển thủy sản ở tỉnh, do thiếu cơ sở pháp lý để nuôi trồng thủy sản trên các hồ đập và chưa có những trung tâm cung cấp đủ nguồn con giống chất lượng. Ngành nông nghiệp đang tìm cách gỡ khó để thúc đẩy nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn các loại thủy sản có giá trị.

“Thứ nhất là rà soát lại cơ sở pháp lý và nghiên cứu các cơ chế chính sách để mà tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy nuôi trồng thủy sản tại các hồ đập, sông trên địa bàn Đắk Nông như tại các hồ thủy lợi thủy điện hay trên sông Krông Nô. Thứ hai là tăng cường tập huấn chuyển giao về kỹ thuật và nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản có hiệu quả để thúc đẩy phát triển ngành hàng này” - ông Ngô Xuân Đông nói.

Với nhiều hồ đập lớn, môi trường nước trong lành, Đắk Nông còn nhiều dư địa để phát triển nuôi trồng thủy sản. Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 4.500 ha, sản lượng trên 20.000 tấn.