Sáng 5/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông qua Chương trình Hỗ trợ quốc tế ISG tổ chức hội nghị toàn thể ISG 2019 với chủ đề "Phát triển vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao năng lực chế biến và tiếp cận thị trường cho nông sản của Việt Nam". Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Ngân hàng thế giới tại Việt Nam; Tổ chức Công nghiệp Liên hợp quốc tại Việt Nam cùng các nhà đầu tư, định chế tài chính quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Với chủ đề "Phát triển vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao năng lực chế biến và tiếp cận thị trường cho nông sản của Việt Nam", các tham luận tại hội nghị tập trung thảo luận về những khuyến nghị, chính sách và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phát triển vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao năng lực chế biến và tiếp cận thị trường cho nông sản Việt Nam.
Nông dân và nông sản Việt Nam phải đối mặt cạnh tranh gay gắt ngay tại thị trường nội địa. |
Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thành công từ dự án của đối tác quốc tế trong lĩnh vực này nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản và đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đã và đang thực hiện các Hiệp định thương mại song phương FTA thế hệ mới.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, nông sản Việt Nam đã có mặt tại 186 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với giá trị kim ngạch xuất khẩu cao. Tuy nhiên, hầu hết các thị trường đã mở chưa thực sự bền vững về mặt thời gian, chưa đảm bảo về quy mô hàng hóa và đặc biệt nguy cơ rủi ro rất cao khi chịu tác động cạnh tranh từ hội nhập quốc tế.
Việt Nam đã và đang từng bước đảm bảo an ninh lương thực vững chắc trước các biến cố của thiên tai, rủi ro tác động biến đổi khí hậu cũng như những nguy cơ phi truyền thống và truyền thống khác.
Tuy nhiên, những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt hiện nay là rất lớn như: Kinh tế nông nghiệp Việt Nam vẫn dựa trên quy mô sản xuất nhỏ lẻ; tác động của biến đổi khí hậu đó là tác động chung đến toàn bộ nền kinh tế tuy nhiên kinh tế nông nghiệp sẽ là nơi tổn thương lớn nhất. Bởi vì đây là khu vực sản xuất ngoài trời, sản xuất kinh tế diễn ra với đối tượng bất lợi nhất là nông dân ở vùng nông thôn vốn các thiết chế hạ tầng không được mạnh mẽ đầy đủ như các vùng khác; tiếp nữa là quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào sân chơi toàn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, những khuyến nghị tại hội nghị sẽ góp phần đề xuất Chính phủ tiếp tục hoàn thiện và đưa ra các cơ chế chính sách phù hợp nhất với thông lệ quốc tế cũng như tình hình cụ thể của Việt Nam để hình thành hệ sinh thái quản lý nông nghiệp tốt nhất. Qua đó huy động các nguồn lực xã hội, đặc biệt là khu vực đầu tư công PPP để cùng tổ chức thực hiện. Quan trọng nhất là để người dân nắm bắt được cơ hội cùng các thành phần kinh tế phát triển đáp ứng nhu cầu nông sản không những của gần 100 triệu người dân trong nước mà còn thị trường toàn cầu.
Hội nhập sâu rộng toàn cầu là chủ trương đúng, tích cực xuyên suốt, tuy nhiên ở giai đoạn đầu chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi chung, thách thức chung mà xuất phát điểm kinh tế chưa mạnh kể cả về năng lực khoa học, tiềm lực kinh tế, nhận thức chung.
Chính vì thế để giải quyết 3 thách thức này, không con đường nào khác Việt Nam tiếp tục phải tập trung công cuộc tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp nói chung trong đó có tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, phát triển những nhóm sản phẩm lợi thế, ứng dụng khoa học công nghệ mới nhất, tổ chức lại sản xuất và tiếp tục tận dụng được sự hợp tác quốc tế của các quốc gia, tổ chức và định chế tài chính.
Đánh giá cao những thành tựu nông nghiệp mà Việt Nam đạt được trong những năm qua, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam ông Ousmane Dione cho rằng, cùng với xu hướng sụt giảm giá của hàng loạt nông sản chính, tăng trưởng nông nghiệp ở Việt Nam đang phải đánh đổi lớn về môi trường, mất đa dạng sinh học.
Cùng với đó là nhiều bất cập về thị trường, khiếm khuyết về hệ thống tổ chức sản xuất, thương mại, vì vậy, Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao khả năng cạnh tranh về chất lượng và hiệu quả của nông sản thời gian tới.
"Việt Nam phải nỗ lực để cải thiện khả năng cạnh tranh của mình dựa vào việc nâng cao hiệu quả, hiệu suất các mặt hàng giá trị cao. Ngân hàng thế giới mong muốn sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam để nâng cao khả năng phát triển vùng nguyên liệu bền vững, nâng cao năng lực chế biến và tiếp cận thị trường cho nông sản của Việt Nam" - ông Ousmane Dione cho biết.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổ chức Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) đã ký kết thỏa thuận thực hiện dự án “Nâng cao chất lượng và năng lực tuân thủ chất lượng của chuỗi giá trị xoài ở Đồng bằng sông Cửu Long”./.
Kinh tế tập thể giúp người dân không quá lo lắng đầu ra nông sản