Mặc dù nhu cầu về nông sản an toàn ngày càng tăng cao nhưng thực tế nguồn cung còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là những bất cập trong việc kết nối cũng như thiếu kênh tiêu thụ cho nông sản sạch với giá cao.
Nông sản an toàn còn yếu ở khâu kết nối (Ảnh minh họa: Trần Ngọc) |
Kết nối cung - cầu nông sản an toàn được coi là khâu yếu nhất trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp hiện nay. Hiện, cả nước có khoảng 700 chuỗi cung ứng nông sản an toàn được kết nối giữa 50 tỉnh, thành phố trên cả nước, với sản phẩm chủ yếu là rau, quả, chè, thịt, trứng, gạo và thủy sản các loại…Tuy nhiên, so với nhu cầu tiêu dùng, nông sản an toàn vẫn chưa đa dạng về chủng loại, còn thiếu các địa chỉ cung ứng khiến người tiêu dùng chưa có nhiều cơ hội để tiếp cận.
Chị Nguyễn Văn Bình, người dân quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội cho biết chị hay đến siêu thị mua thực phẩm an toàn và mong muốn có nhiều cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nhiều hơn nông sản sạch. Nếu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đúng theo các quy trình an toàn chắc chắn sẽ có thêm nhiều cơ hội quảng bá nông sản ra thế giới, cũng như đáp ứng yêu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch của người dân.
Trên thực tế, nông sản an toàn ít nhiều cũng đã được người tiêu dùng biết đến và tìm mua nhưng do giá thành cao, và phải cạnh tranh không lành mạnh với những sản phẩm nhái; “thực phẩm bẩn” nên gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ…
Thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan chuyên môn cho thấy, một lượng lớn các sản phẩm nông sản được các thương lái thu mua, tập kết tại các chợ đầu mối sau đó đưa đi tiêu thụ tại các chợ dân sinh, cửa hàng, bếp ăn tập thể, trong đó lượng sản phẩm được chứng nhận nguồn gốc mới chỉ chiếm khoảng 20%.
Các chợ đầu mối vẫn đang đóng vai trò là khâu điều phối sản phẩm đến các thị trường tiêu thụ. Việc liên kết giữa các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với nhau chưa bền chặt, chủ yếu theo hình thức mạnh ai nấy làm khiến quá trình kết nối với doanh nghiệp phân phối gặp nhiều khó khăn, sản phẩm tạo ra có tính cạnh tranh thấp.
Theo ông Phạm Đình Thắng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, trồng thâm canh cây bưởi theo quy trình VietGap và sản xuất chế biến miến dong sạch, công tác quảng bá nông sản thực phẩm an toàn và xúc tiến thương mại còn hạn chế. Các cơ chế thúc đẩy tiêu thụ nông sản an toàn cần linh hoạt hơn giữa các địa phương về đầu ra tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận thị trường nước ngoài... Bên cạnh đó, cần có những chế tài để phân biệt sản phẩm sạch với sản phẩm không an toàn bảo vệ quyền lợi của nông dân.
Phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị
Cùng với đề xuất những cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất Thực hành nông nghiệp tốt VietGap, Global Gap, Bộ tiếp tục lấy năm 2017 là năm thứ hai triển khai chủ đề An toàn vệ sinh thực phẩm qua đó chấn chỉnh tình trạng “thực phẩm bẩn”, tăng cường phát hiện, xử lý các vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời đẩy mạnh việc ký kết với hàng trăm doanh nghiệp cung ứng nông sản thực phẩm an toàn để nhân rộng các mô hình và địa chỉ cung ứng nông sản sạch tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Để xây dựng được nhiều chuỗi nông sản an toàn phải làm rõ những khó khăn vướng mắc để kết nối được các chuỗi. Các cơ quan của Bộ, Sở nông nghiệp ở các địa phương phải nỗ lực tham gia giúp doanh nghiệp và những người sản xuất an toàn. Cùng nhau tháo gỡ khó khăn để phát triển thêm nhiều chuỗi nông sản an toàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở các thành phố lớn và người tiêu dùng.
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường khu vực và quốc tế, đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản là việc làm cấp bách hiện nay. Bởi điều này không chỉ lấy lại niềm tin của người tiêu dùng mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt với nông sản của nước ngoài ngay tại thị trường nội địa./.