Cùng với cả nước, tỉnh Lai Châu đang huy động các lực lượng vào cuộc để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 xâm nhập qua biên giới. Do dịch bệnh mà hàng nghìn ha chuối tại các xã biên giới huyện Phong Thổ đến kỳ thu hoạch không xuất khẩu được, gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho người nông dân.
Cũng như nhiều hộ nông dân trong bản Hợp 2, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, cây chuối nhiều năm nay đã trở thành nguồn thu nhập ổn định của gia đình ông Lò Văn Dem. Với hơn 10 ha chuối, trung bình mỗi ngày gia đình ông thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng và nhờ nguồn thu nhập này, gia đình ông không những thoát nghèo mà còn trở thành hộ giàu trong bản. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện tại Trung Quốc, các thương lái cũng ngừng thu mua nên chuối đã chín đầy nương.
Chuối già đang chín dần trên cây, nhưng bà con chỉ biết nhìn mà tiếc của. Nhiều hộ gia đình chặt mang xuống quốc lộ bán, nhưng giá rẻ, người mua ít. |
Ngồi thừ người dưới gốc, nhìn những buồng chuối chín bắt đầu rụng xuống gốc với đôi mắt ngấn lệ, ông Lò Văn Dem buồn rầu chia sẻ: Cả gia đình 7 nhân khẩu sinh sống nhờ vào nương chuối này, nếu không có dịch bệnh Covid-19, cửa khẩu thông thương nhộn nhịp trung bình mỗi buồng chuối bán cũng được từ 100 - 200 nghìn đồng. Giờ các thương lái không đến mua, chuối già chín hết, bán chẳng ai mua. Công lao chăm sóc cả năm trời đến ngày thu hoạch thì nay lại mất trắng.
“Tháng 2, tháng 3 năm nay nếu không có bệnh dịch đến thì giá một cân là 10.000 đồng, vụ này gia đình phải thu được hơn 100 triệu đồng. Nhà tôi có 10ha, bây giờ thì ném bỏ hết rồi!” - ông Dem nói.
Gia đình anh Lò Văn Thiệp, ở bản Hợp 1, xã Bản Lang, huyện Phong Thổ có gần 15ha chuối, trong đó 3/4 diện tích đã cho thu hoạch. Nhiều ngày nay không có tư thương tới mua, nên chuối chín vàng khắp nương. Tiếc của, gia đình cho chặt mang xuống đường quốc lộ bán, nhưng cũng chỉ được vài chục nghìn một buồng. Mấy hôm đầu còn bán được, nhưng thời gian gần đây chuối chín nhiều khắp vùng, hộ nào cũng mang bán nên lại càng rẻ hơn. Ước tính thiệt hại của gia đình trong đợt này lên đến gần trăm triệu đồng.
“Chuối hiện tại bên Trung Quốc người ta không mua, mang về nhà thì cũng không mang được, ăn thì cũng không ăn được. Bà con hầu như thu nhập chính toàn là từ cây chuối thôi, bây giờ mà họ không mua thì chẳng có chỗ mà xuất ra, chẳng bán được ở đâu. Tính ra so với năm ngoái thì gia đình bị thiệt hại gần 100 triệu” - ông Thiệp nói.
Chuối chín rụng đầy gốc mà không có nơi tiêu thụ, người nông dân huyện biên giới Phong Thổ đang thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. |
Phong Thổ là địa phương thuần nông, có gần 4.000 ha chuối trải dài khắp các xã biên giới, trong đó trên 3.500ha đã cho thu hoạch, với sản lượng trung bình một năm khoảng gần 60.000 nghìn tấn. Từ đầu tháng 1 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc, đã có gần 10.000 tấn chuối không thể xuất khẩu, gây thiệt hại cho bà con nông dân gần 60 tỷ đồng. Nhiều gia đình đã chi cả trăm triệu đồng để đầu tư, thậm chí vay ngân hàng để mua phân bón nay "tay trắng hoàn trắng tay".
Ông Phàn A Tỏn, Chủ tịch UBND xã Bản Lang, huyện Phong Thổ cho biết: “Số lượng chuối của bà con trên địa bàn đang tồn đọng ở trên địa bàn, tại trên nương diện tích của bà con thì rất là nhiều. Hiện nay bà con trên địa bàn xã Bản Lang đang rất là lo lắng, băn khoăn. Chúng tôi kiến nghị với các cơ quan chuyên môn, các cơ quan có thểm quyền, sớm có biện pháp làm thế nào để có cái đầu ra bao tiêu sản phẩm”.
Chuối là cây trồng chủ lực của hầu hết các xã biên giới tại huyện Phong Thổ nhiều năm nay và đã từng giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc Dao, Hà Nhì, Thái... trên địa bàn xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. Từ cây chuối, đời sống người của hàng nghìn hộ nông dân không ngừng được nâng lên, đóng góp đáng kể vào việc hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Thế nhưng, do chuối là cây trồng tự phát, không được quy hoạch, nên đợt thiệt hại này không được chính quyền địa phương hỗ trợ.
“Thiệt hại trong việc trồng chuối của bà con thì hiện nay cũng chưa có chủ trương, chính sách cụ thể. Nên các cơ quan chuyên môn cũng chưa triển khai thực hiện việc hỗ trợ cho dân thiệt hại do trồng chuối. Về phía cơ quan chuyên môn cũng mong muốn làm thế nào đó để bao tiêu sản phẩm đó cho dân các sớm càng tốt” - ông Nguyễn Thế Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết.
Hiện với sự nỗ lực của cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu, cửa khẩu đã bắt đầu hoạt động trở lại, nhưng lượng hàng nông sản như chuối xuất khẩu quá ít do phụ thuộc vào tư thương Trung Quốc, nên người trồng chuối rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương./.
Nông sản ùn ùn qua cửa khẩu Lào Cai sang Trung Quốc để... xếp hàng