Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, mùa nắng nóng nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Nam luôn đối mặt với tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn. Tỉnh Quảng Nam đã chủ động hỗ trợ nông dân chuyển đổi nhiều diện tích đất lúa không chủ động nước tưới, sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, nông dân ngày càng nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Đầu năm nay, gia đình ông Lưu Văn Dũng, ở xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam chuyển đổi gần 4 sào đất lúa không chủ động nước tưới, sang trồng các loại cây như đậu bắp, mè và cam sành... Ông Dũng cho biết, mấy năm trước, gia đình ông đầu tư trồng lúa nhưng không hiệu quả, từ khi chuyển qua trồng cây màu, thu nhập gia đình đã khá hơn. Theo ông Lưu Văn Dũng, mỗi vụ trồng lúa, ông thu về chừng 15 triệu đồng, nhưng trồng cây màu đạt từ 35 - 40 triệu đồng/vụ.
“Thực tế mùa khô hạn năm nay, người dân chúng tôi theo sự hướng dẫn của chính quyền địa phương chuyển đổi cây trồng, từ trồng lúa sang cây trồng cạn, hoa màu ở những khu vực khó tiêu, khó tưới nên hiệu quả thu được cao hơn trước”, ông Dũng cho biết.
Năm nay, nông dân huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam đã chuyển đổi hơn 250 ha đất lúa kém hiệu quả, thiếu nước sản xuất qua trồng cây màu mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên cũng hỗ trợ bà con kéo điện ra đồng đóng giếng tưới; hỗ trợ giống, phân bón...
Ông Phan Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết, việc chuyển đổi đất lúa không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây có khả năng chịu hạn bước đầu đã giúp nông dân có thu nhập ổn định. Quan điểm của huyện là khuyến khích các địa phương chuyển đổi cây trồng làm sao có lợi tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế.
“Những vùng có nguy cơ thiếu nước đã được huyện chủ động hướng dẫn cho các xã chuyển đổi sang các cây trồng cạn ít cần nước tưới. Cùng với đó, huyện cũng phát động nhân dân cùng tiết kiệm nước và tưới theo kỳ. Trong thời gian tới, nếu không có mưa rõ ràng nguy cơ thiếu nước rất cao nên huyện khuyến khích người dân tiết kiệm nước, chuyển qua cây trồng cạn nhưng vẫn giữ lúa để bảo đảm an ninh lương thực”, ông Cảnh cho biết.
Trước tình hình thời tiết phức tạp như hiện nay, việc thiếu nước phục vụ sản xuất cho vụ Hè Thu rất cao. UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các địa phương cần sử dụng nước tiết kiệm tối đa. Đặc biệt, các tổ hợp tác dùng nước phối hợp với Chi cục Thuỷ lợi, Sở NN&PTNT để nắm chắc lịch xả nước của các thủy điện, phối hợp dùng nước hiệu quả. Đồng thời, xây dựng phương án chuyển đổi đất lúa khu vực có khả năng nhiễm mặn, cuối kênh qua cây trồng cạn.
Năm nay, tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ nông dân chuyển đổi gần 900 ha đất lúa không chủ động nước tưới, sang trồng các loại cây trồng cạn. Hàng năm, các ngành chức năng ở địa phương này cũng tổ chức tập huấn chuyển đổi cây trồng, giúp bà con chọn cây trồng phù hợp. Cải tạo một số diện tích sản xuất lúa một vụ tận dụng nước trời kém hiệu quả để trồng hoa màu, trồng cỏ nuôi bò hay đào ao thả cá.
Bà Lê Thị Minh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay, Hội nông dân ở các địa phương phối hợp với các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hỗ trợ bà con kéo điện ra đồng, nạo vét tu bổ kênh mương sử dụng nước tưới tiết kiệm đảm bảo phục vụ cho sản xuất đạt kết quả.
Cùng với đó, Hội nông dân cũng liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, định hướng cho người nông dân sản xuất sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường./.