Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, sau gần một tuần triển khai thu mua tạm trữ, các doanh nghiệp trên địa bàn ĐBSCL đã mua vào khoảng 20% số lượng được giao với giá 4.500 - 5.400 đồng/kg (tùy loại), cao hơn trước thời điểm triển khai chương trình 100 - 250 đồng/kg.

Tuy nhiên, hiện nay người dân ĐBSCL đã ngừng việc bán ra mà thay vào đó là trữ lúa. Nguyên nhân của hiện tượng này là do công bố của Bộ Tài chính, giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân ở ĐBSCL khoảng 3.134 - 4.474 đồng/kg. Tại Đồng Tháp, giá thành sản xuất lúa là 4.200 đồng/kg. Như vậy, với giá lúa hiện nay, nông dân lãi rất thấp và càng không thể đạt mức lãi 30% như chủ trương của Chính phủ.

Ông Dương Nghĩa Quốc - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho hay, người dân phải chịu thiệt thòi vì bán lúa với giá thấp, nguồn lãi thu được ít, khó có thể bù cho các mùa vụ tiếp theo. Tại Kiên Giang, giá mua bình quân của các doanh nghiệp tại kho là 4.568 đồng/kg lúa và 6.693 đồng/kg gạo. Thực tế, đây là giá thương lái và hàng xáo bán cho doanh nghiệp, còn nông dân bán lúa cho thương lái chỉ dao động khoảng 4.200 đồng/kg (lúa tươi) đối với giống IR50404.

Còn theo ông Trần Quang Củi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, với giá này nông dân không thể có lãi 30%. Muốn nông dân có lãi 30% thì giá lúa mua tại ruộng cho dân phải là 4.700 đồng/kg.

Trước tình hình giá thu mua tạm trữ không cao hơn giá thành bao nhiêu, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định giá tiêu thụ lúa hàng hóa, đảm bảo quyền lợi của nông dân.

Văn bản nêu rõ, cần quy định giá sàn mua lúa tạm trữ, đảm bảo cho nông dân có lãi ít nhất 30%; đồng thời ưu tiên phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ ở những tỉnh có sản lượng lúa hàng hóa lớn như Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An. Trước đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định giá sàn mua lúa vụ đông xuân là 4.500 đồng/kg, thấp hơn so với năm 2012 là 703 đồng/kg./.