Báo cáo “Ai được hưởng lợi khi giá gạo tăng cao”, do Viện  Chính  sách  và  Chiến  lược Phát triển Nông nghiệp, nông thôn (IPSARD) cùng với Tổ chức Oxfam tại Việt Nam thực hiện, cho thấy: Người nông dân Việt Nam được hưởng lợi không nhiều từ việc tăng giá gạo.

Nông dân chỉ hưởng khoảng 30% lợi nhuận trong chuỗi giá trị

Theo báo cáo này, khi giá gạo trên thị trường thế giới giảm sẽ kéo giá bán lúa của nông dân xuống thấp. Trong trường hợp đó, lợi nhuận từ trồng lúa đã thấp lại càng thấp hơn. Tuy nhiên, khi giá gạo trên thị trường tăng cao thì người trồng lúa cũng chỉ được lợi rất ít. Điều này có thể thấy rất rõ nếu so sánh giá lúa bán tại hộ nông dân với giá gạo xuất khẩu năm 2008: khi giá gạo xuất khẩu tăng từ mức 430 USD/tấn vào đầu năm 2008 lên mức trên 900 USD/tấn vào tháng 5 năm 2008 thì giá gạo nông dân bán chỉ tăng chưa được 100 USD/tấn. Rõ ràng là nông dân được hưởng lợi không nhiều từ việc tăng giá gạo.

thuhoachluagaovn.jpg
Mặc dù rất chịu khó và nhạy bén, thu nhập của người trồng lúa rất thấp (Ảnh: Tuoitre)

Ngoài ra, trong trường hợp giá gạo trên thị trường thế giới tăng nhanh, giá lúa trong nước sẽ lên cao hơn khiến các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cũng phải chịu thiệt hại vì DN đã ký hợp đồng xuất khẩu với mức giá thấp ở thời điểm trước khi giá gạo thế giới tăng.

Bên cạnh đó, báo cáo phân tích chuỗi giá trị gạo xuất khẩu tại An Giang cho thấy, nông dân thường chỉ nhận được khoảng 30% lợi nhuận trong chuỗi giá trị, phần còn lại do các trung gian và DN xuất khẩu được hưởng. Với quy mô hộ nhỏ manh mún, thời điểm thu mua khác nhau cộng với vận chuyển khó khăn, các DN xuất khẩu không thể thu mua trực tiếp từ các hộ. Chính vì vậy, lợi nhuận phải chia cho các thương lái trung gian.

Báo cáo nhấn mạnh “vai trò của các thương lái ở ĐBSCL là rất quan trọng trong việc kết nối nông dân và DN xuất khẩu. Tuy nhiên, mức lợi nhuận 30% cho người trồng lúa là không hợp lý khi họ phải bỏ ra 60-70% tổng chi phí sản xuất, chưa kể đến những rủi ro thiên tai, dịch hại...”.

Xuất khẩu vẫn tập trung vào một số doanh nghiệp lớn

Theo Báo cáo, hiện nay xuất khẩu gạo vẫn tập trung vào một số DN lớn, chủ yếu là của nhà nước hay DN cổ phần chuyển đổi từ các DN nhà nước. Riêng hai tổng công ty Vinafood I và Vinafood II đã chiếm tới gần 50% lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Mặc dù từ đầu năm 2001, Việt Nam cho phép và khuyến khích các DN tư nhân tham gia xuất khẩu nhưng hiện nay tỷ lệ các DN tham gia vẫn còn hạn chế.

Thời gian gần đây, với những điều kiện về nhà kho, công suất xay xát theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010, việc xuất khẩu sẽ càng tập trung vào các doanh nghiệp lớn. 

Không những thế, doanh nghiệp xuất khẩu chưa đầu tư nhiều cho người trồng lúa. Trong thực tế, có hai xu hướng khá rõ rệt của các DN xuất khẩu gạo. Một là, các DN bước đầu gắn kết chặt chẽ với nông dân thông qua việc cung cấp đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm. Xu hướng này chưa phổ biến, mới chỉ 5-7% DN xuất khẩu thực hiện. Trong khi đó, các DN này lại đầu tư khá nhiều ra các lĩnh vực khác như thủy sản, chăn nuôi, vật tư đầu vào, thậm chí kinh doanh ô tô xe máy, bất động sản… nhằm tăng lợi nhuận, giảm rủi ro nhưng không muốn tái đầu tư cho nông dân.

Hai là, thời gian gần đây có một số DN tham gia mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” (CĐML), ký hợp đồng cung cấp đầu vào hay bao tiêu đầu ra. Đây thực sự là hướng đi tốt nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định, giảm khâu trung gian, tăng thu nhập cho hộ trồng lúa. Những chính sách hỗ trợ của nhà nước nên tập trung cho những mô hình này.

Thu nhập từ sản xuất lúa thấp, nhất là các hộ quy mô nhỏ

Khẳng định điều này, Báo cáo phân tích: Với sự hỗ trợ chính sách đúng đắn và có khuyến khích phù hợp, nông dân Việt Nam luôn đáp ứng một cách hiệu quả góp phần giảm đói nghèo. Nông dân Việt Nam có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất lúa gạo và rất nhanh nhạy tiếp thu công nghệ và nhạy bén với cái mới.

Một ví dụ là việc ứng dụng và nhân rộng khá nhanh tiến bộ Hệ thống của thâm canh lúa cải tiến (SRi). Hơn một triệu nông dân Việt Nam sản xuất quy mô nhỏ chỉ trong một thời gian ngắn (2006 - 2011) đã tham gia hệ thống này. Bình quân, tiến bộ SRi giúp nông dân giảm khoảng 80% hạt giống, 30% hóa chất, 30% nước trong khi vẫn tăng 10% năng suất.

Tuy nhiên, các nghiên cứu của Ngân hàng thế giới và Oxfam năm 2012 đều cho thấy mặc dù rất chịu khó và nhạy bén, thu nhập của người trồng lúa vẫn rất thấp. Thu nhập trung bình từ trồng lúa của các hộ tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng có lợi thế sản xuất lúa tốt nhất của cả nước, chỉ đạt 535 ngàn đồng/người/tháng, tương đương một nửa mức lương tối thiểu.

Vì vậy, các hộ sản xuất lúa với quy mô nhỏ (dưới 2 ha) không thể sống dựa vào thu nhập từ trồng lúa mà phải dựa vào các thu nhập từ chăn nuôi, thủy sản hay từ các hoạt động phi nông nghiệp khác. Chỉ có các hộ quy mô lớn (từ 2 ha trở lên) mới có thể sống dựa vào thu nhập từ trồng lúa. Tính hiệu quả tăng theo quy mô trong sản xuất lúa cho thấy việc tích tụ đất đai hay phát triển các “Mô hình cánh đồng mẫu lớn” là những định hướng đúng đắn của Việt Nam./.