Trong những ngày qua, giá lợn hơi ở các địa phương có xu hướng tăng mạnh, đạt mức giá kỷ lục hơn 80.000 đồng/kg, thậm chí, có thời điểm hơn 90.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi tăng kéo theo giá thịt lợn được bán tại các chợ cũng tăng cao, tuy nhiên, theo ghi nhận, đến thời điểm này, giá thịt lợn đã có dấu hiệu giảm nhẹ. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tập trung triển khai nhiều biện pháp để bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn cũng như đảm bảo cung ứng đủ cho người tiêu dùng với mức giá hợp lý.

vov_thit_lon_2_ejvh.jpg
Giá thịt lợn tăng kéo theo giá của nhiều loại thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản tăng theo.

Đối với người tiêu dùng, thịt lợn là thực phẩm thiết yếu trong mỗi bữa cơm gia đình, do đó giá thịt tăng cao đã tác động đến việc mua bán loại thực phẩm này.

Khảo sát tại một số chợ ở Hà Nội như chợ Hoàng Mai, chợ Hôm Đức Viên, chợ Thành Công... trong mấy ngày qua, giá thịt lợn đã tăng mạnh, có lúc mức giá 180.000 – 200.000 đồng/kg, tuy nhiên, đến thời điểm này, mức giá có dấu hiệu giảm nhẹ.

Trước đây khi đi chợ, có thể mua thức ăn khá tươm tất cho bữa cơm gia đình. Tuy nhiên, hiện nay, giá các thực phẩm khác cũng tăng theo giá thịt lợn, khiến cho việc chi tiêu phải cân nhắc hơn.

“Tết đến nơi rồi mà tình hình giá cả về thịt lợn tăng cao, tăng nhanh. Trước kia, thịt lợn thăn tôi mua được một cân thì bây giờ tôi mua chỉ 6-7 lạng thôi. Hiện tại việc đi chợ phải đắn đo suy nghĩ. Khi thịt lợn tăng giá, tôi thấy kéo theo một loạt các thực phẩm khác cũng tăng theo, như bò, cá hay thậm chí bây giờ đến rau củ cũng tăng theo. Rất khó khăn cho những người dân lao động chúng tôi”, chị Trịnh Minh Phương, ở Hà Nội chia sẻ.

Trước nguy cơ thiếu thịt lợn trong dịp Tết, Hà Nội đã lên phương án bình ổn giá, cung cấp đủ thịt cho người dân vào thời gian cao điểm. Báo cáo tình hình chuẩn bị hàng Tết, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhu cầu tiêu dùng mặt hàng thịt lợn của người dân trong dịp Tết khoảng 22.300 tấn hơi/tháng.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi nên số lượng lợn tại các cơ sở chăn nuôi giảm. Dự báo, so với nhu cầu tiêu dùng thịt lợn trong tháng Tết, thiếu khoảng 3.500 tấn lợn hơi. Nhằm bảo đảm nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Canh Tý, ngoài nguồn cung tại chỗ, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với Sở Công thương các tỉnh, thành phố kết nối các doanh nghiệp của thành phố Hà Nội với các cơ sở sản xuất ở địa phương khác để các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng.

Người tiêu dùng sẽ phải thay đổi thói quen ăn thịt lợn tươi sống sang thịt đông lạnh.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố Hà Nội, cho biết, Sở Công thương cũng đã phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) để xác định nguồn cung và báo cáo tiến độ 10 ngày một lần.

Bên cạnh đó cũng phối hợp chặt chẽ với Cục Hải quan thành phố Hà Nội để xác định nguồn hàng nhập khẩu về địa bàn thành phố Hà Nội và phối hợp với Sở Công thương các tỉnh, thành phố kết nối doanh nghiệp của Hà Nội với các cơ sở sản xuất lớn của tỉnh mà không bị mắc dịch bệnh cao, để cho các doanh nghiệp cũng chủ động để đưa nguồn hàng đó về đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân trên địa bàn toàn thành phố.

Theo bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, đến thời điểm này vẫn khó xác định chính xác về lượng thiếu hụt nguồn cung mặt hàng thịt lợn, có thể sẽ lớn hơn con số dự báo, tuy nhiên, một số hệ thống bán lẻ lớn đã có kế hoạch chuẩn bị lượng thịt lợn bằng cách ký kết với các đầu mối cung cấp thịt từ các trang trại quy mô lớn, lượng cung ổn định.

Cùng với đó, để tích cực tham gia chương trình bình ổn thị trường, các nhà bán lẻ đã chuẩn bị một lượng lớn các mặt hàng thực phẩm khác như thịt gia cầm, thịt bò, thủy hải sản để người tiêu dùng có thêm lựa chọn cho bữa ăn gia đình.

“Tâm lý của người tiêu dùng thì vẫn là tiêu thụ hàng tươi sống, mà hàng tươi sống ngày một khan hiếm, vì vậy người tiêu dùng sẽ phải tìm cách chuyển đổi, từ việc thói quen sử dụng thịt lợn sang sử dụng những loại thịt khác. Ví dụ như gia cầm…”, bà Hậu nói.

Trong bối cảnh nguồn cung trong nước tiếp tục thiếu hụt, dự báo nhu cầu tiêu dùng thịt lợn tháng cuối năm và dịp Tết giảm nhẹ khoảng 5 đến 10% so năm ngoái, nhưng sẽ vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 300.000 – 320.000 tấn/tháng.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương luôn theo dõi sát thị trường, từ đó đã có giải pháp bình ổn thị trường, đảm bảo nguồn cung mặt hàng thịt lợn cũng như các mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm.

“Phải khẳng định rằng đối với mặt hàng phục vụ Tết cho bà con là chúng ta không thiếu. Nhưng năm nay, chúng ta cần nhấn mạnh đối với nguồn cung thịt lợn, trước những biện pháp và những thông tin và sự đánh giá nguồn cung của Bộ NN&PTNT, thì ngoài công tác tái đàn cũng như Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, đặc biệt là Cục Thú y hướng đến các thị trường mà chúng ta đã có cam kết về thú y để nhập khẩu nguồn thịt lợn, đảm bảo đủ nguồn cung, để chúng ta không thể thiếu hàng và không để giá tăng tới người tiêu dùng trong thời gian từ giờ đến cuối năm và đầu năm 2020”, ông Tuấn cho hay.

Hiện có 24 quốc gia được nhập khẩu thịt lợn chính ngạch vào Việt Nam nên Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, phân phối thực phẩm, nhất là các doanh nghiệp đã đăng ký tham gia Chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương nhập khẩu lượng thịt lợn thiếu hụt để bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán./.