Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), từ khi nước ta vào nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình (từ năm 2010), ưu đãi vay các đối tác phát triển dành cho Việt Nam giảm rõ rệt. Đặc biệt, dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Do đó, vốn ODA đã vay, nếu không có khả năng trả nợ nhanh hơn thì sẽ phải gánh lãi suất tăng lên từ 2% - 3,5%.
Giải thích rõ hơn, ông Long cho biết, giai đoạn trước năm 2010, thời hạn vay bình quân khoảng từ 30-40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7-0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn thì 2011-2015, thời hạn vay bình quân chỉ còn từ 10-25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay; với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên. Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp, vừa vốn tài trợ vừa vốn thương mại kèm theo nhiều điều kiện ràng buộc.
Hiện tại, khoản vay dài nhất của Việt Nam có thời hạn đến năm 2055, bình quân thời gian các khoản nợ vay là 12,5 năm. Do đó, yêu cầu đặt ra trước khi Việt Nam "tốt nghiệp" ODA vào năm 2017 là phải trả nợ nhanh theo từng khoản vay. Và thời điểm nước ta phải trả nợ nhiều nhất sẽ rơi vào khoảng năm 2022 – 2025.
Theo ông Long, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) để có lộ trình, phương án hạn chế động của việc trả nợ nhanh đến ngân sách nhà nước. WB hiện chiếm tới gần 20-30% khoản vốn vay, nếu đàm phán có lộ trình tốt thì đàm phán với các đối tác khác cũng sẽ đi theo con đường đó.
Trong khi đó, việc sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi này của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, biểu hiện là đầu tư dàn trải, chưa thực hiệu quả; tình trạng chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư còn không ít; tính hợp lý trong phân bổ nguồn vốn giữa các địa bàn còn bất cập.
Phát biểu trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, nợ công của nước ta tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Kỷ luật đầu tư công vẫn là vấn đề đáng lo ngại, nhiều công trình không phát huy hiệu quả, việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản còn chậm, ứng trước vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn lớn.
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2015, tiền trả nợ đã chiếm khoảng 16% tổng thu ngân sách. Trong năm 2016 con số trả nợ được báo cáo lên Quốc hội và Chính phủ dự kiến là hơn 24% tổng chi ngân sách. Theo đó, ước tính số nợ phải trả khoảng 150.000 tỷ đồng trong năm nay.
Số liệu mới nhất về nợ công của Việt Nam trên đồng hồ nợ công toàn cầu (The global debt clock) cho thấy, lúc 11h00 trưa nay 23/3, tổng nợ công Việt Nam đang là 94,854 tỷ USD; nợ công chiếm 45,6% GDP; mỗi người dân Việt Nam đang gánh 1.039 USD nợ công./.