Sau 5 năm làm ăn, nhiều tàu hoạt động không hiệu quả, chủ tàu mắc nợ Ngân hàng hàng chục tỷ đồng. Hiện nay, dư nợ cho vay đối với các chủ tàu 67 lên tới 862 tỷ đồng, trong đó 50 khách hàng nợ quá hạn 321 tỷ đồng. Đã vậy, nhiều chủ tàu còn đối mặt với nỗi lo tàu nằm bờ do không mua được bảo hiểm, nợ nần chồng chất. Ngân hàng đã kéo chủ tàu ra Tòa đòi nợ. Nhiều ngư dân đứng trước nguy cơ mất tàu, mất nhà, đứng ngồi không yên.

Năm 2015, khi Chính phủ ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, anh Lê Văn My ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định bán tàu gỗ, vay thêm tiền ngân hàng để đóng tàu vỏ thép làm dịch vụ hậu cần. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Phú Tài, tỉnh Bình Định đã cho anh vay gần 17 tỷ đồng đóng tàu mới. Tàu hạ thủy trong niềm vui của cả gia đình với bao hy vọng về tương lai tươi sáng. Chiếc tàu này đi được 2 chuyến biển vào đầu năm 2017 thì phải nằm bờ do làm dịch vụ hậu cần trên biển không hiệu quả.

Tiếp đó, anh My đầu tư thêm 1 tỷ đồng chuyển đổi từ tàu hậu cần sang tàu đánh bắt cá Ninja. Giữa năm 2017, tàu ra khơi đánh bắt được 4 chuyến, mỗi chuyến lỗ cả trăm triệu đồng. Chỉ sau 4 năm theo đuổi tàu 67, anh Lê Văn My mới trả được khoảng 200 triệu đồng tiền vay trong khoản vay gần 17 tỷ đồng cho Ngân hàng. Nợ chồng nợ kéo dài, khoản vay chuyển sang nợ xấu nên Ngân hàng đã khởi kiện anh ra Tòa. Giờ đây, ngư dân Lê Văn My mong được phát mại tài sản là con tàu để trả nợ Ngân hàng.

“Giờ ngân hàng không có vay bổ sung thì thu tàu lại để đỡ bớt chi phí, bán được mình đỡ bớt khoản nợ. Sau này ngân hàng kiện tiếp thì mình cũng phải chấp nhận” - ngư dân Lê Văn My nói.

Hoàn cảnh của ngư dân Nguyễn Văn Mạnh, chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99567 ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cũng đầy sóng gió. Hơn 4 năm qua, ông Mạnh mệt mỏi vì tàu vỏ thép. Để đóng chiếc tàu này, ông Mạnh bán tàu gỗ và vay thêm Ngân hàng hơn 15 tỷ đồng. Tàu đi được 4 chuyến biển, ông Mạnh trả ngân hàng được 200 triệu đồng. Sau đó, con tàu buộc phải tháo bung ra sửa lại do thép không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, nằm bờ 2 năm liền.

Trầy trật mãi, ông Mạnh vẫn còn nợ khoảng 14,4 tỷ đồng, chưa tính nợ tiền lãi. Từ ông chủ tàu gỗ, mỗi năm dư giả vài trăm triệu đồng, giờ đây ông Mạnh cùng 3 người con trai phải đi làm thuê cho tàu khác kiếm sống và gánh trên vai khoản nợ hơn 14 tỷ đồng. Trong khi đó, con tàu vỏ thép của ông được gửi nằm ở cảng cá Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn. Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Tài đã khởi kiện ông ra Tòa đòi nợ.

“Giờ tàu như đống sắt vụn, nếu như giữ lại kinh phí đâu tu bổ. Tu bổ con tàu đó giờ phải mất mấy trăm triệu đồng, chỉ riêng sơn, làm nước không chứ chưa nói lặt vặt ở dưới tàu bị rỉ sét làm mới lại. Giờ không trông mong gì tới tàu bè nữa, cho mấy người con tôi đã phải đi công kiếm sống bằng công việc khác” - ông Nguyễn Văn Mạnh than thở.

Kể từ khi các địa phương triển khai Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, các Ngân hàng ký hợp đồng tín dụng với 62 khách hàng ở tỉnh Bình Định để đóng mới tàu, trong đó 48 tàu vỏ thép, 6 tàu gỗ và 8 tàu Composite, tổng số tiền cho vay 921 tỷ đồng. Đến nay, hầu hết các khoản vay để đóng tàu vỏ thép đều bị chuyển sang nợ xấu, nợ quá hạn.

Đại diện các Ngân hàng cho biết, một số chủ tàu vỏ thép làm ăn hiệu quả nhưng “tát nước theo mưa” với các tàu bị sự cố hư hỏng để “chây ì” không trả nợ ngân hàng. Trong 2 năm qua, tỉnh Bình Định yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Định, các ngân hàng trên địa bàn tổ chức 4 cuộc làm việc với các các chủ tàu vỏ thép bàn giải pháp trả nợ ngân hàng nhưng không có kết quả, đành kéo nhau ra Tòa. Đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại tại tỉnh Bình Định đã khởi kiện 15 chủ tàu vỏ thép 67 ra Tòa.

Ông Nguyễn Trà Dương, Phó Giám đốc phụ trách, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bình Định cho biết: “Qua làm việc trực tiếp với các ngư dân cho thấy hoạt động đánh bắt không hiệu quả. Thứ 2 là tàu bị hư hỏng sửa chữa nên không đi đánh bắt được và thứ 3 là ngư dân không thiện chí trả nợ. Việc khởi kiện hiện nay còn những khó khăn vướng mắc. Ngân hàng cũng rất khó khăn khi khởi kiện và thi hành án con tàu 67”./.