Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, trong nửa đầu năm 2014, các nhà sản xuất giày dép khổng lồ như Nike, Adidas và Puma đã chuyển các đơn đặt hàng từ Trung Quốc và Bangladesh vào Việt Nam.
Cũng theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2014, tỉ lệ nội địa hóa là 25%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện, Tập đoàn Target Sourcing Services, một trong 10 nhà phân phối lớn nhất thế giới và Tập đoàn Dansu cũng đã khảo sát và có kế hoạch mở rộng, đầu tư vào Việt Nam. Các công ty khác thường đặt hàng và sản xuất tại Trung Quốc những sản phẩm nổi tiếng, như Lancaster và Sequoia Paris cũng chuyển đầu tư vào Việt Nam. Lý do được đưa ra là để "tránh rủi ro".
Gia tăng chi phí lao động và các chi phí về môi trường cũng như hành động công nghiệp mới đây tại Trung Quốc đã khiến một số các thương hiệu quốc tế lựa chọn để di dời một số dây chuyền sản xuất của họ từ Trung Quốc vào các nước Đông Nam Á như Việt Nam.
Việt Nam hiện lọt vào top 10 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về da giày, và đứng thứ 2 xuất khẩu vào thị trường khó tính Hoa Kỳ.
Tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam 2014 - Triển vọng kinh doanh ngành da giày, dệt may" mới đây, do VCCI – TP HCM phối hợp với Lefaso tổ chức, ông Phan Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), cho biết đón đầu cơ hội mở rộng thị trường khi Việt Nam chính thức ký kết các Hiệp định thương mại tự do, hiện đã có nhiều nhà đầu tư của các nước xúc tiến đầu tư phát triển sản xuất ngành phụ trợ cho ngành giày dép tại Việt Nam, mở ra nhiều triển vọng tươi sáng đối với sự phát triển của ngành hàng này.
Cũng theo ông Dũng, dù chưa ồ ạt nhưng với kinh nghiệm tích lũy và tiềm lực tài chính mạnh, hiện các doanh nghiệp nước ngoài đang ráo riết triển khai nhanh các dự án đầu tư để sớm thụ hưởng các ưu đãi cũng như tăng thu lợi nhuận./.