Kết quả khảo sát về Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) tại Việt Nam quý 2 vừa được EuroCham thực hiện vào tháng 5/2014 khẳng định quý này đã trở về giai đoạn thịnh vượng của năm 2011, tăng từ 59 điểm quý trước lên 66 điểm quý này.
EuroCham khẳng định, mức tăng trưởng này thể hiện rõ sự cam kết của các doanh nghiệp châu Âu vào thị trường Việt Nam.
Chủ tịch EuroCham, Bà Nicola Connolly cho biết: “Thật khả quan khi thấy Chỉ số BCI tiếp tục tăng cao đến mức ấn tượng 66. Mức gia tăng 7 điểm nhấn mạnh những kết luận của khảo sát BCI quý trước. Các doanh nghiệp thành viên thể hiện lòng tin vững chắc vào Hiệp định FTA khả thi. EuroCham sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam và Liên minh châu Âu để đảm bảo Hiệp định sẽ đem lại các lợi ích thực tiễn cho các doanh nghiệp thành viên của chúng tôi trong thời gian sắp tới”.
Giám đốc điều hành EuroCham, Ông Csaba Bundik cũng nhận định: “Chỉ số BCI trở lại giai đoạn thịnh vượng của năm 2011 là một dấu hiệu tích cực chúng ta nên trân trọng. Tuy nhiên, chúng ta không quên mục tiêu lớn—đó là đạt được Hiệp định FTA khả thi và hiệu quả, đem lại lợi ích rõ ràng cho những doanh nghiệp thành viên, từ đó có thể duy trì tiến trình khả quan của chỉ số BCI. EuroCham sẽ tích cực nỗ lực phối hợp với Chính phủ Việt Nam nhằm giải đáp những vướng mắc mà các doanh nghiệp thành viên đang đối mặt, dù thuộc phạm vi thỏa thuận FTA hay không, để đảm bảo một môi trường kinh doanh tốt nhất có thể cho các doanh nghiệp thành viên của chúng tôi”.
Theo EuroCham, xu hướng hình thành Cộng đồng Kinh tế Đông Nam Á vào năm 2015, cuộc khảo sát có yêu cầu các doanh nghiệp đánh giá lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác trong khối ASEAN qua nhiều tiêu chí khác nhau. Kết quả cho thấy, chi phí nhân công thấp được nhận định là một trong những lý do chính để khuyến khích các doanh nghiệp thành viên EuroCham đầu tư vào Việt Nam.
Mặt khác, cũng cần lưu ý là phần lớn các doanh nghịệp phản hồi đánh giá Việt Nam kém cạnh tranh về mặt cơ sở hạ tầng (75%) và hệ thống pháp luật/hành chính (80%).
Về các yếu tố phát triển thị trường củng cố sự gia tăng của chỉ số BCI, khảo sát cho thấy việc tăng kế hoạch đầu tư, đánh giá tích cực vào tình hình kinh doanh và triển vọng kinh doanh góp phần quan trọng không kém.
Tình hình kinh doanh ổn định và tích cực
So với kết quả khảo sát quý trước, số lượng doanh nghiệp đánh giá khả quan về tình hình kinh doanh duy trì mức ổn định 44%, so với 45% quý trước và 43% cùng thời điểm năm trước. Thêm vào đó, lượng phản hồi không khả quan đã giảm đáng kể từ 29% còn 21%.
Tuy nhiên, EuroCham cho rằng để duy trì xu hướng tích cực này, Chính phủ cần lưu ý và giải đáp các vướng mắc mà các doanh nghiệp Châu Âu đang đối mặt.
Cụ thể là, khảo sát yêu cầu các doanh nghiệp thành viên đánh giá ảnh hưởng của Nghị định 102/2013/NĐ-CP và Thông tư 03/2014/TT -BLĐTBXH về việc sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đến hoạt động kinh doanh của họ, 69% doanh nghiệp phản hồi cho rằng Nghị định trên có ảnh hưởng đáng kể. Điều này được thể hiện rõ hơn qua kết quả chỉ 16% phản hồi cho rằng việc thiếu hụt lao động tay nghề cao không ảnh hưởng trong khi 50% cho biết vấn đề này sẽ tác động nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của họ.
Triển vọng kinh doanh tích cực
Triển vọng kinh doanh duy trì mức khả quan, với số lượng phản hồi tích cực đạt trên mức trung bình với chỉ số 57%, so với quý trước 49% và năm trước 44%.
Ở quý này, cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu đặt kì vọng cao vào tính khả thi của Hiệp định Thương mại Tự do châu Âu—Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp có liên quan cho biết họ tin tưởng hệ thống Hải quan điện tử VNACCS/VCIS sẽ đem đến tác động hiệu quả (75%).
Xu hướng tích cực ở kế hoạch đầu tư đã trở lại, với 81% số lượng doanh nghiệp dự định giữ hoặc tăng mức đầu tư, so với 78% quý trước. Xu hướng tích cực này đồng thời tác động đến kế hoạch tuyển dụng của các doanh nghiệp, với số lượng doanh nghiệp dự tính tăng nhân sự tiếp tục tăng, từ 48% quý trước đến 55% quý này trong khi số lượng doanh nghiệp dự tính giàm nhân sự cũng giảm so với quý trước còn 11% (so với 15% quý trước).
Tuy nhiên, đây không phải là hệ quả từ việc tăng doanh thu đơn hàng, cụ thể là, số lượng doanh nghiệp dự đoán đơn hàng tăng chỉ còn 64%, giảm so với 70% quý trước. Cùng thời điểm, số lượng doanh nghiệp phản hồi dự đoán đơn hàng giảm duy trì ở mức thấp - 12% so với 15% của quý trước và 14% (cách 2 quý trước).
Lạm phát dự đoán sẽ tăng trong khi triển vọng kinh tế vĩ mô ổn định
Quý trước, các doanh nghiệp dự đoán tỷ lệ lạm phát giảm còn 3,68%, quý này đã tăng lên mức 4,26%. Các doanh nghiệp phản hồi phần nào tin tưởng vào triển vọng kinh tế vĩ mô, với 46% kì vọng “Ổn định và cải thiện” (thấp hơn so với quý trước) và 26% e ngại “Tiếp tục suy thoái”. Số lượng doanh nghiệp cho biết họ e ngại suy thoái tăng nhẹ (so với 24% quý trước).
Cuộc khảo sát của EuroCham cũng yêu cầu các doanh nghiệp đánh giá Hiệp định FTA sẽ ảnh hưởng tính cực nhất ở ngành nghề nào. Kết quả cho thấy 50% cho rằng ngành thương mại, 33% ngành sản xuất và 10% ngành dịch vụ. Điều này cho thấy, FTA tác động lên các đa dạng ngành nghề khác nhau, không chỉ đơn thuần ngành thương mại./.