Trong bối cảnh giá đường xuống thấp dẫn tới giá mía nguyên liệu giảm mạnh, nhiều người trồng mía ở các tỉnh khu vực Miền Trung và Tây Nguyên phá bỏ nhiều diện tích để chuyển đổi sang các loại cây trồng khác nhằm tránh thua lỗ. Tuy nhiên, tại vùng trồng mía ở huyện Ea Kar và Mdrak, tỉnh Đắk Lắk, niên vụ 2018-2019 này đang cho thấy những tín hiệu khả quan khi hàng nghìn ha mía trồng liên kết với doanh nghiệp đã đem lại lợi nhuận.
Dưới nắng rát rạt của mùa khô Tây Nguyên, trên ruộng mía rộng 1,8 ha của ông Tô Minh Châu ở xã Ea Pil, huyện Mdrak, hơn 10 nhân công đang chặt mía, xếp thành bó rồi chất lên xe tải.
Dù giá đường, mía nguyên liệu xuống thấp nhưng nhờ duy trì năng suất nên người trồng mía ở Đắk Lắk vẫn có lợi nhuận. |
Ông Châu cho biết, niên vụ trước, diện tích này cho thu khoảng 120 tấn mía, nhưng năm nay nhờ chăm sóc tốt nên sản lượng cao hơn, đạt trên 140 tấn. Với giá bán 730.000 đồng/tấn như hiện nay, trừ các khoản chi phí gia đình thu lãi khoảng 35 triệu đồng.
"Dự kiến năm nay nhà tôi thu được khoảng 145 tấn mía, có được sản lượng như vậy là do gia đình tập trung chăm sóc. Năm nay nhà tôi bón 1,6 tấn phân cho diện tích 1,8 ha này nên năng suất đạt được như vậy. Còn những hộ hộ bỏ bê không chăm sóc, bón phân, làm cỏ thì năng suất thấp lắm, lợi nhuận không đáng bao nhiêu đâu" - ông Châu chia sẻ.
Tương tự, ông Trần Văn Nam ở xã Ea Tih, huyện Ea Kar cũng có 10 ha mía trồng liên kết với Công ty CP mía đường 333 Đắk Lắk. Ông Nam cho biết, niên vụ này vẫn tiếp tục tập trung chăm sóc phát triển vườn mía nên năng suất bình quân đạt khoảng 80 tấn/1ha, so với niên vụ trước, năng suất không tăng nhiều nhưng vẫn giúp gia đình có được lợi nhuận.
Niên vụ 2018-2019, năng suất bình quân đạt khoảng 80 tấn/1ha. Giá mía nguyên liệu đang được thu mua ở mức 730.000 đồng/tấn. |
Ông Nam phân tích: "Nhà tôi được khoảng 80 tấn/1ha, nếu nhân với giá 73 như hiện nay thì gia đình tôi thu được khoảng gần 60 triệu đồng/1ha. Trong 60 triệu này, phải trừ 20-22 triệu tiền công; và tiền chăm sóc, bỏ phân, mua phân, thuốc cỏ, công phun phải mất thêm 20 triệu nữa, tổng hết trên 40 triệu; tính ra còn lại lãi trên dưới 20 triệu/1ha".
Theo ông Lê Tuân, Phó Tổng giám đốc Công ty CP mía đường 333 Đắk Lắk, niên vụ 2018-2019, Công ty liên kết trồng gần 7.300 ha mía với các hộ dân ở hai huyện Ea Kar và Mdrak, tỉnh Đắk Lắk. Ông Tuân cho biết, hiện nay, giá đường đang thấp kỷ lục với chưa đến 11.000 đồng/kg tại nhà máy. Dù giá đường giảm mạnh nhưng công ty vẫn đang thu mua mía nguyên liệu ở mức 730.000 đồng/tấn mía.
Người trồng mía nguyên liệu ở Đắk Lắk vẫn cam kết gắn bó với cây mía. |
"Mặc dù giá đường giảm sâu nhưng chúng tôi vẫn cầm cự duy trì mua giá cao hơn các nhà máy khác, mục tiêu là để người trồng từ hòa vốn đến có lãi, để khuyến khích người trồng tiếp tục gắn bó với cây mía nhằm giữ vững vùng nguyên liệu. Ngoài ra, chúng tôi hỗ trợ không hoàn lại cho người dân mỗi ha 20 tấn phân bùn, tương đương khoảng 2,5 triệu đồng để người dân cải tạo đất. Với các hộ trồng mới, chúng tôi hỗ trợ khoảng 30-32 triệu đồng/ha mua giống, phân bón; còn với suất trồng chăm sóc từ gốc mía cũ thì khoảng 10-17 triệu đồng/ha" - ông Lê Tuân cho biết.
Theo kế hoạch, niên vụ 2019-2020, Công ty CP mía đường 333 Đắk Lắk sẽ tiếp tục liên kết với các hộ dân ở hai huyện Ea Kar và Mdrak trồng khoảng 7.500 ha mía. Đến thời điểm này, tất cả diện tích cam kết đã được các hộ tái đầu tư niên vụ tiếp theo. Việc duy trì chăm sóc đảm bảo năng suất dù giá mía xuống thấp nhưng vẫn cho lợi nhuận hơn các loại cây trồng khác trên những vùng đất có thổ nhưỡng đất pha cát như ở huyện Ea Kar và Mdark, tỉnh Đắk Lắk là tín hiệu rất khả quan cho ngành mía đường./.