Sau 4 năm liên tiếp tổ chức, Chương trình Giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam – Nhật Bản được xem như sự kiện kinh tế, văn hóa thường niên có quy mô lớn nhất tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy kinh doanh, hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp và nhân dân hai nước Việt - Nhật. Tuy nhiên, để chào đón làn sóng đầu tư từ phía Nhật Bản đổ bộ vào các địa phương trong thời gian tới, ĐBSCL cần có bước chuyển mình để phù hợp nhu cầu thực tế mà doanh nghiệp Nhật đề ra.

Theo VCCI Chi nhánh Cần Thơ, tính đến cuối tháng 10/2018, vùng ĐBSCL thu hút 170 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) Nhật Bản với tổng vốn đăng ký khoảng 2.214 triệu USD, chiếm 10,5% tổng số vốn. Có thể thấy, sau những lần tổ chức chương trình giao lưu văn hóa, thương mại Việt Nam - Nhật Bản, tỷ lệ vốn FDI đầu tư vào ĐBSCL năm sau cao hơn năm trước.

Để có kết quả này, theo ông Takimoto Koji - Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật bản (JETRO) tại TPHCM, hàng năm phía Nhật Bản luôn có những cuộc điều tra các công ty Nhật có vốn đầu tư ở Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng. Trong đó, khoảng 70% doanh nghiệp đều mong muốn mở rộng đầu tư, vì doanh số của họ ngày càng tăng cao.

1_doanh_nghiep_nhat_vov_kwgi.jpg
Hơn 100 doanh nghiệp Nhật bản vừa có chuyến làm việc tại Cần Thơ để khảo sát hợp tác đầu tư.

Riêng tại ĐBSCL, các doanh nghiệp Nhật Bản "cho vào tầm ngắm" bởi chi phí nhân công rẻ và là vùng đất còn hạn chế ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Điều này minh chứng bằng hàng loạt các nhà máy sản xuất ra đời như: sản xuất bánh gạo, găng tay dành cho bóng chày, mì ăn liền, khăn mặt, nhà máy chế biến thực phẩm về nông nghiệp…

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Nhật hoạt động tại các Khu công nghiệp ở TPHCM cũng muốn chuyển hướng xuống khu vực này, nhất là vào Cần Thơ, sau đó là Cà Mau, Tiền Giang... Tuy vậy, họ vẫn còn mối lo về đường sá, phương tiện lưu thông cũng như cách giữ gìn môi trường trong sạch khi vận hành sản xuất.

“Doanh nghiệp Nhật luôn quan tâm vấn đề hệ thống xử lý nước thải, bùn thải của nhà máy khi đầu tư vào khu vực ĐBSCL vì Luật Việt Nam rất nghiêm về môi trường, nên các nhà máy thải chất thải ra bên ngoài như thế nào cũng được doanh nghiệp Nhật Bản nghiên cứu, không để xảy ra sai sót khi đi vào hoạt động kinh doanh” - ông Takimoto Koji nói.

Là giám đốc Công ty G.A Consultants Vietnam, 13 năm kinh doanh tại Việt Nam trong việc đào tạo người Việt tại Nhật, giới thiệu nhân sự cho doanh nghiệp Nhật mới vào Việt Nam, nhân sự cho ngành IT, ông Seki Takehiko nhận định, lực lượng lao động ở Việt Nam nói chung, ĐBSCL nói riêng trẻ, năng động nhưng chất lượng chưa cao, tính kỷ luật và tự lập vẫn còn hạn chế. Để doanh nghiệp Nhật thực sự tin tưởng, các địa phương cần thay đổi tư duy trong đào tạo, xây dựng mô hình làm việc chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn.

Doanh nghiệp Nhật bản giới thiệu các sản phẩm điện tử.

“Tôi thấy rằng con người Việt Nam luôn luôn hướng tới những điều tốt đẹp, dù có điều xấu xảy ra vẫn không bỏ cuộc. Về vấn đề quản lý một công ty Việt Nam, sẽ quản lý theo công ty mô hình gia đình nhiều hơn, quản lý có thể là người cha, nhân viên là những người con trong gia đình, dùng tình cảm để công việc diễn biến tốt hơn mong đợi”  - ông Seki Takehiko chia sẻ.

Từ nỗi băn khoăn của doanh nghiệp Nhật Bản, mới đây, tại Diễn đàn Hợp tác Nhật Bản – Mekong tổ chức ở Cần Thơ, Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang cho biết, Chính phủ Việt Nam đang hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không; đào tạo nguồn nhân lực… phục vụ dân sinh cũng như phát triển kinh tế, để các doanh nghiệp an tâm hơn khi đầu tư tại Việt Nam.

“Ngoài ra, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư làm giảm giá thành hàng hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia… cũng là một trong những nội dung chính mà doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới. Tôi cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương khu vực ĐBSCL tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có thể triển khai công việc đạt kết quả cao nhất, trên cơ sở hai bên cùng có lợi trong bối cảnh Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang chuẩn bị có hiệu lực với 11 quốc gia thành viên, trong đó có Nhật Bản và Việt Nam” - Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang nói.

Theo ông Noboru Kondo - Giám đốc điều hành Tập đoàn Brainwork, thời gian qua, Việt Nam có nhiều bước phát triển về giao thông, tiến bộ khoa học kỹ thuật... trở thành mảnh đất "màu mỡ" để doanh nghiệp Nhật đầu tư vào. Đặc biệt, tại ĐBSCL, ngoài chi phí nhân công rẻ, thông quan chương trình giao lưu văn hóa, các hoạt động thương mại, trao đổi thông tin hàng hóa, hai bên biết đến nhau nhiều hơn, từ đó hiểu về lợi ích và nhu cầu lẫn nhau, để việc hợp tác thuận lợi, hòa hợp. Ngoài ra, con sông Mekong là lợi thế hàng đầu, để địa phương thuận tiện xuất khẩu hàng hóa sang các nước lân cận, trong đó có Nhật Bản.

Thực phẩm Việt Nam trưng bày tại Lễ hội Văn hóa Việt - Nhật.

“Việt Nam mình đang trong giai đoạn đang phát triển, không chỉ Việt Nam nói chung mà riêng vùng ĐBSCL nông nghiệp rất phát triển. Thứ hai về trình độ, lao động trẻ đáp ứng được nhu cầu người sử dụng. Với lại vùng ĐBSCL có con sông MeKong rất nổi tiếng, rất là lớn, trên con sông đó thì chúng ta có thể phát triển về cảng. Không chỉ nông nghiệp, về cả logictics, về cả công nghiệp cũng có thể phát triển được, đó là tiềm năng của vùng ĐBSCL” – ông Noboru Kondo nói.

Ông Nguyễn Phương Lam – Phó giám đốc phụ trách VCCI, Chi nhánh Cần Thơ chia sẻ, Người Nhật và người Việt có điểm tương đồng về văn hóa, kết bạn trước sau đó mới tính đến chuyện hợp tác lâu dài. Các địa phương, các doanh nghiệp muốn hợp tác kinh doanh với Nhật Bản, kêu gọi sự đầu tư, cần phải làm cho họ biết chúng ta trước thông qua những thông tin chúng ta cung cấp; làm cho họ hiểu, tin tưởng, đừng nóng vội và hãy kiên trì để đạt được lợi ích lâu dài.

“Do đặc thù của địa phương, của vùng là nông nghiệp, trước đây doanh nghiệp Nhật Bản lại có thế mạnh mặt hàng về công nghiệp, chế tạo, điện tử, thì qua một thời gian, những ngành hàng đó đã được đầu tư tại Việt Nam. Những doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản trong các ngành dịch vụ, ICT và công nghệ trong nông nghiệp sẽ tiếp cận, đến với ĐBSCL tìm cơ hội đầu tư, chúng tôi nghĩ đây là cơ hội của ĐBSCL trong thời gian tới” – ông Lam cho biết.

Để ĐBSCL thực sự là địa chỉ đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp Nhật Bản, doanh nghiệp cần đẩy nhanh công tác cải cách thủ tục hành chính, nỗ lực hoàn thiện mạng lưới liên kết vùng kết hợp với đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, nâng cao chất lượng lao động để không tự đánh mất cơ hội mà các nhà đầu tư mang đến./.